Người cao tuổi làm kinh tế trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề
TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất nước, có vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Theo số liệu thống kê từ dữ liệu dân cư, đến ngày 30/12/2023, Thành phố có 1.133.235 người cao tuổi (chiếm khoảng 11% dân số Thành phố). Theo Hội Người cao tuổi TPHCM, hiện Thành phố có 310 Hội Người cao tuổi cơ sở, 4.822 chi hội. Tổng số hội viên người cao tuổi hiện nay là 633.609 người, trong đó có khoảng 70.228 người cao tuổi tham gia công tác tại địa bàn (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, khuyến học, thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, khu phố).
Đồng chí Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM cho biết, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước liên quan đến người cao tuổi, đặc biệt là phát huy vai trò người cao tuổi trên các lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, trật tự xã hội..., trong những năm qua, tại TPHCM, người cao tuổi đã khẳng định được vị trí là hạt nhân nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, như: “Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi”, “Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”, “Nêu gương sáng phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo”; “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế trong lớp người cao tuổi để chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần người cao tuổi”, “Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”… góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế, thông qua phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tại TPHCM có khoảng 16.300 người cao tuổi tham gia hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; sản xuất công nghiệp, xây dựng; sản xuất tiểu thủ công nghiệp; sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác. Người cao tuổi tham gia làm kinh tế bao phủ các lĩnh vực từ trồng cây kiểng, lan, mai, nuôi chim yến, nông nghiệp công nghệ cao; ngành nghề truyền thống như bánh tráng, bún gạo, mây tre lá, se chỉ, dệt gia công, đóng giày, bao bì giấy…, đến lĩnh vực thương mại dịch vụ như: ăn uống, bánh kẹo, thiết bị điện, sản phẩm nhựa, đồ gỗ, may mặc, cơ khí chế tạo, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, lắp đặt. Đặc biệt, người cao tuổi còn tham gia làm kinh tế nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ về giáo dục, y tế, vàng bạc, đá quí, khách sạn, nhà trọ cho thuê,…
Phát huy tinh thần “Tuổi cao, ý chí càng cao”, đông đảo hội viên, người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tham gia phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều hội viên, người cao tuổi trở thành doanh nghiệp, chủ các cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của người cao tuổi đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tạo việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định cho gần 125.000 người lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố.
Các điển hình người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ 4, giai đoạn 2018 - 2023 “Thực tiễn chứng minh phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, tinh thần, ý chí, giá trị nhân văn tốt đẹp mà còn phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi trong giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi và gia đình.” - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM Huỳnh Thành Lập nhận định, đồng thời cho biết giai đoạn 2018 - 2023, đã có 5.386 gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi tiêu biểu được Thành phố biểu dương.
Tạo điều kiện tốt nhất để người cao tuổi tích cực làm kinh tế
Hiện nay, quá trình già hóa dân số ở nước ta diễn ra với tốc độ nhanh so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong đó, chỉ số già hóa của TPHCM là 49,4% (cao hơn số liệu cả nước là 48,8%). Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố chú trọng thực hiện đó là tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của người cao tuổi trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác an sinh xã hội, thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu hợp pháp, chính đáng.
Theo đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sự đóng góp của người cao tuổi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, trật tự xã hội,… Tiếp tục khẳng định thành quả, kinh nghiệm của những điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi để cùng học tập, chia sẻ, hỗ trợ nhau, góp phần thực hiện phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cùng với đó là quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong giai đoạn mới, phấn đấu để người cao tuổi có cuộc sống ngày càng tốt hơn, có điều kiện thuận lợi nhất để làm giàu cho gia đình và xã hội.
Giai đoạn 2018 - 2023, có 5.386 gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi tiêu biểu được TPHCM biểu dương Thành phố tiếp tục vận động, động viên người cao tuổi tích cực làm kinh tế trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại… phù hợp với khả năng của mỗi người hoặc tạo điều kiện cho con cháu khởi nghiệp đúng hướng. Các ngành các cấp, trong đó chủ chốt là các cấp Hội Người cao tuổi phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp người cao tuổi là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp tích cực tìm hiểu nhu cầu thị trường và tiếp cận tiến bộ về khoa học công nghệ thời công nghiệp 4.0 để có thể mở rộng qui mô, nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để đem lại hiệu quả cao và bền vững, tăng sức cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.
Riêng đối với các cấp Hội Người cao tuổi tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách, kiến nghị đối với cấp thẩm quyền tạo điều kiện để người cao tuổi làm kinh tế (có công ty, doanh nghiệp hoặc làm kinh tế hộ gia đình) tiếp cận, hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi trong sản xuất - kinh doanh, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc khi tham gia phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi", để họ có điều kiện đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, nhằm phát huy đúng mức vai trò người cao tuổi trong thời kỳ nước ta đang bước vào ngưỡng già hoá dân số, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người cao tuổi đóng góp tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của mình góp phần phát triển Thành phố.