Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, các nội dung lớn của dự thảo luật đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, Điều 1 bổ sung 2 điều mới quy định về chậm đóng, trốn đóng BHYT và sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật BHYT hiện hành…
Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, về đối tượng tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về các đối tượng tham gia BHYT, do đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định trong Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định trong đó có Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này như Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; chưa bổ sung vào dự thảo thân nhân của dân quân thường trực do Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ BHYT cho đối tượng này mà giao Chính phủ quy định các đối tượng khác sau khi báo cáo UBTVQH, sau một thời gian thực hiện ổn định và có đánh giá đầy đủ sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện Luật.
Đồng thời, Điều 13 của dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia BHYT của nhóm đối tượng này.
Đối với quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức khám bệnh, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật, dự thảo hiện đang được thiết kế theo hướng quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản; khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ BHYT cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện; quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị bổ sung thêm đối tượng cựu công an nhân dân vào diện do ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm đặt ra, từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về BHYT, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đồng thời, tập trung cho ý kiến vào ba nội dung lớn liên quan đến: quy định các giao dịch phải công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong Luật Công chứng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận liên quan tới nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong Luật Công chứng đã đạt được sự thống nhất cao đồng thời, đối với vấn đề danh mục phải công chứng, về cơ bản thống nhất phải do luật giao hoặc luật giao cho Chính phủ quy định. Ngoài ra, đối với quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần xây dựng 2 phương án để lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, phương án 1, đề nghị giữ như luật hiện hành; phương án 2, đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình. Tại các phương án yêu cầu phân tích, nêu rõ lập luận về ưu điểm, nhược điểm cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan.
Cùng ngày UBTVQH xem xét một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Theo đó, 4 dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của UBTVQH gồm: về việc phê chuẩn đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 730/2004/UBTVQH11, Nghị quyết 1212/2016/UBTVQH13 về thang lương của Thẩm phán và phụ cấp một số chức vụ của Tòa án; ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Trong đó, đối với dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, về bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định trong ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân được chia thành 3 bậc. Cụ thể: Thẩm phán bậc 1 (tương đương Thẩm phán sơ cấp); Thẩm phán bậc 2 (tương đương Thẩm phán trung cấp); Thẩm phán bậc 3 (tương đương Thẩm phán cao cấp).