Thứ Ba, ngày 8 tháng 7 năm 2025

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh của quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 – 1/10/2021):

Huỳnh Thúc Kháng – chí sĩ nói lên “Tiếng Dân” để “làm cách mạng công khai”

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai với thực dân Pháp bằng nhiều hình thức, trong đó có báo Tiếng Dân. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, chí sĩ, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã can đảm chọn “làm cách mạng công khai” trên mặt trận báo chí. Cụ tuyên bố: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai”.

Dù bị tù đày suốt 13 năm (1908 -1921) sau phong trào Duy Tân[1], nhưng người con đất Quảng Nam Huỳnh Thúc Kháng vẫn lòng son dạ sắt với cách mạng, với dân tộc. Sau khi ra tù, cụ vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động đòi quyền lợi cho nhân dân. Ngày 10/8/1927, Huỳnh Thúc Kháng cho ra đời tờ báo Tiếng Dân (La Voix du Peuple), chính thức khởi phát cuộc đấu tranh công khai bằng ngôn luận. Đây là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở khu vực miền Trung.

Với vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhiều bài viết trên Tiếng Dân thể hiện rõ quan điểm cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trên manchette của tờ báo, cụ lý giải: “Bản báo đã đặt tên là TIẾNG DÂN, thì tiếng dân là cái chân sắc của bản báo”. Đúng như cách ví von của cụ Huỳnh “có thể nghe cái tên mà hiểu được nửa phần”, các bài viết trên tờ báo là tiếng nói của những người lao động nghèo khổ, đó là câu chuyện của phu xe, của công nhân, của thị dân, hay của y tá hộ lý, của binh lính… Những năm 1927 - 1928, khi còn là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, thông qua Tiếng Dân, cụ Huỳnh ra sức đấu tranh đòi ban hành hiến pháp, đòi giảm thuế điền, thuế đinh, bỏ độc quyền muối rượu, mở thêm trường học, công trình thủy lợi…

Để chống lại các thủ đoạn mị dân của thực dân, Tiếng Dân còn giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế cho người dân, giáo dục quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh; đồng thời đây còn là nơi vạch trần và thẳng thắn đấu tranh với sự tàn bạo, xảo trá của chính quyền lúc bấy giờ… Nhiều bài viết đã mang tính chiến đấu mạnh mẽ như Lại bắt dân chịu, Ngắn cổ kêu ai, Quan đã thấu nỗi khổ dân chăng?, Dân lấy làm ức cho lý trưởng bị lưu dịch

Tòa soạn báo Tiếng Dân tại đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), Huế. (Ảnh tư liệu) Tòa soạn báo Tiếng Dân tại đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), Huế. (Ảnh tư liệu)

Với kiến thức sâu rộng, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng gắn tình yêu nước mãnh liệt với sự tiến bộ của thế giới và xu hướng cách mạng mới. Có thể kể đến nhiều bài viết như: Tư tưởng tiến hóa của Đác-uyn, Thuyết duy vật lịch sử quan của Các Mác, Giai đoạn mới của văn minh, Hy vọng của thanh niên ta vào tương lai sẽ đi theo con đường nào…

Sớm nhận thấy sức ảnh hưởng từ Tiếng Dân, trong suốt mười mấy năm, thực dân Pháp luôn tìm cách kiểm soát chặt tờ báo. Cơ quan kiểm duyệt của thực dân Pháp nhiều lần buộc tòa soạn phải chỉnh sửa theo yêu cầu của chúng, tuy nhiên cụ Huỳnh thẳng thừng từ chối: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”. Bởi ngay từ số đầu tiên, ông đã xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Thậm chí, khi viên công sứ Đà Lạt yêu cầu cung cấp tên tác giả viết tin, ông còn thách thức: “Nếu báo Tiếng Dân đăng sai, ông cứ truy tố tôi, còn tên người viết thì tôi không thể cho ông biết được”.

Ngoài những nội dung trên, báo Tiếng Dân cũng đăng tải thơ về dân sinh, về lòng yêu nước của chủ bút Huỳnh Thúc Kháng và các tên tuổi lớn khác như Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp… Trong đó, có thể kể đến các sáng tác nổi tiếng của cụ Phan Bội Châu như Điếu Trương Gia Mô Cúc Nông tiên sinh (ngày 4/1/1930), Nghe quốc kêu (24/12/1930), Tết (14/2/1931)…

Năm 1943, Tiếng Dân kết thúc sứ mệnh “làm cách mạng công khai”. Sau 16 năm dưới sự lèo lái của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân đã ra đời 1.766 số. Những gì tờ báo làm được đã minh chứng cho mục tiêu mà cụ Huỳnh theo đuổi từ khi sáng lập tờ báo: “Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. Nhận xét về Tiếng Dân, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 7/1948 tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, Tổng Bí thư Trường Chinh ví tờ báo là “thét tiếng dân giữa kinh thành Huế”[2].

Trong hơn một thập kỷ đấu tranh không ngừng nghỉ, là tờ báo lâu năm nhất và phản ánh xuyên suốt những sự kiện lịch sử ở Trung kỳ, Tiếng Dân thực sự là tiếng nói và trở thành cơ quan ngôn luận của nhân dân. Sự thành công này khẳng định đóng góp to lớn của chủ nhiệm kiêm chủ bút họ Huỳnh. Để nhớ ơn và ghi nhận những đóng góp của nhà báo lâu năm Huỳnh Thúc Kháng, tên của cụ được đặt tên cho trường dạy làm báo tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong diễn văn khai giảng ngày 4/4/1949, nhà cách mạng kỳ cựu Hoàng Quốc Việt đã nêu: “Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”.

Những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu) Những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)

Ngày 26/4/2019, trụ sở báo Tiếng Dân tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế, đã được nhận quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngoài sự nghiệp thơ văn, báo chí đồ sộ, Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà nghiên cứu lịch sử, luôn đau đáu chuyện “ghi lại những tài liệu chân xác cho nhà làm sử”[3]. Với tư cách là một chứng nhân sống, cụ để lại nhiều tác phẩm giá trị, phác họa chân thực các sự kiện lịch sử, các nhân vật tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là cuốn Thi tù tùng thoại[4]. Đây là “chuyện sử tù” với nhiều bài thơ, câu đối, thi thoại của cụ Huỳnh với bạn tù, qua đó cung cấp nhiều thông tin quan trọng về nhà tù Côn Đảo như quang cảnh, quản lý tù nhân, đời sống tù nhân… Là “người trong cuộc”, cụ Huỳnh còn cho ra đời bản thảo Cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Ngoài ra, di sản quý báu của cụ còn có tiểu sử của các nhà yêu nước lớn với tác phẩm như Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Thai Xuyên Trần Quý Cáp, Bức thư gởi Cường Để…

Sau sự nghiệp báo chí, vốn là người có “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ mới. Từ ngày 31/5 đến 21/10/1946, cụ gánh trọng trách quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán. Những năm 1946 - 1947, cụ Huỳnh đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an ngày nay) của Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thể hiện sự kính trọng đối với cụ Huỳnh, ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết, đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”.

Nguyễn Trần

----------

[1] Phong trào Duy Tân do Huỳnh Thúc Kháng cùng với các sĩ phu yêu nước đương thời là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can khởi xướng năm 1906, kết thúc năm 1908. Phong trào đấu tranh ôn hòa đòi thực dân Pháp cải cách với phương châm: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

[2] Công Triệu, 90 năm 'Thét tiếng dân giữa kinh thành Huế', Báo Tuổi trẻ, ngày 18/8/2017.

[3] Lê Thí, Huỳnh Thúc Kháng - nhà nghiên cứu sử thực thụ, Báo Quảng Nam, ngày 19/4/2020.

[4] Thi tù tùng thoại được Huỳnh Thúc Kháng viết bằng chữ Hán ở Côn Đảo. Khi Cụ được trả tự do thì sách bị tịch thu và đốt. Về Huế, Cụ chép lại theo trí nhớ và dịch ra tiếng Việt.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo