Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hoàn thành vượt mục tiêu Bộ Chính trị giao về tinh giản biên chế. Cụ thể, bộ máy tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; cục và tương đương tăng 7 tổ chức; Tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức (không tính Bộ Công an và Bộ Quốc phòng).
Ở địa phương, các cơ quan chuyên môn (sở ngành) giảm 5 tổ chức; giảm 973 phòng, 127 chi cục; phòng thuộc chi cục giảm 1.179; tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12. Ở cấp huyện, giảm 294 cơ quan chuyên môn, trong đó có 278 phòng Dân tộc.
Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành giảm 10 tổ chức; thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục tăng 6 tổ chức; thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ giảm 24 tổ chức. Ở địa phương, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm 3.819 đơn vị (giảm 7,33%).
Theo Thứ trưởng Nội vụ, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.783.174 người, giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay là 1.031.851 người, giảm 147.290 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015).
Trong giai đoạn năm 2015 – 2020, cả nước đã tinh giản được 67.218 người gồm: 4.965 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 62.253 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương; theo chính sách tinh giản biên chế. Trong số này, có 54.899 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 12.172 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác.
Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi cho quá trình điều hành, quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn gặp những trở ngại, bất cập, nên chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính,...
Theo thống kê năm 2020, Thành phố có 9 triệu dân (trên thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thành phố), với quy mô dân số lớn, quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền Thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và kịp thời, đồng bộ, khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại. Chính yêu cầu về quản lý kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư phát triển nhanh đòi hỏi tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải thật sự tinh gọn, hiện đại, có năng lực quy hoạch, lập kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được Thành phố ấp ủ từ năm 2007, được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các cơ sở pháp lý xây dựng Đề án vẫn chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện. Vì vậy, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành là căn cứ pháp lý quan trọng, Thành phố đã xác định đây chính là thời điểm chín muồi để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ, Quốc hội.
Thứ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà Mục tiêu chính của Đề án là tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TPHCM thật sự tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị của cả nước.
“Nghị quyết của Quốc hội và sắp tới nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị khi được ban hành, không chỉ giúp Thành phố chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2025, mà về lâu dài, chính là tiền đề, là động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố, là điều kiện cần thiết để Thành phố có thể phát huy hết tiềm năng, nguồn lực của mình, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, cùng cả nước, vì cả nước”, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói.
Chúc mừng TPHCM triển khai mô hình chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà không thực hiện thí điểm và ngày 31/12 công bố thành lập thành phố Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn để Thành phố có thể triển khai mô hình chính quyền đô thị đúng thời điểm 1/7/2021.