Thứ Hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024

Kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – (1/8/2021):

Hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Áp phích tuyên truyền của cơ quan y tế về phòng, chống dịch Covid-19

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến 9/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Người cũng dạy, trong khi tuyên truyền cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, bài học này rất cần được nhắc lại.

Kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam, việc tuyên truyền về cách phòng, chống dịch đã được các cơ quan, nhất là Bộ Y tế, triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Có những bài hát về cách phòng dịch đã được các hãng truyền thông lớn của quốc tế nhắc tới. Có lẽ vì vậy mà những quy định về các “K” trong 5K phòng, chống dịch đã được người dân hiểu và thực hiện khá hiệu quả.

Hiệu quả tuyên truyền về phòng, chống dịch đã thật sự phát huy tác dụng rõ nét trong đợt dịch lần thứ 4 - đợt dịch diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, nhất là ở TPHCM. Những ngày thành phố căng mình chống dịch, các thông tin liên tục xuất hiện trên các cơ quan truyền thông về sự chung sức, đồng lòng của đồng bào cả nước đã tạo nên một khí thế phấn chấn và tinh thần đoàn kết cao độ. Hình ảnh những bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ công an, quân đội… ở nơi tuyến đầu chống dịch xuất hiện đầy cảm động trên các kênh truyền thông, trên các trang mạng xã hội, đã thật sự gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Những câu chuyện, những hình ảnh dấn thân, chung sức đồng lòng của người dân thành phố và người dân cả nước không chỉ giúp mọi người vững tin rằng thành phố không đơn độc mà còn có tác dụng làm thay đổi nhận thức, hành vi của nhiều người, giúp có trách nhiệm hơn với cộng đồng trong phòng, chống đại dịch.

Những hình thức tuyên truyền ngắn, gọn, dễ nhớ thường được người dân tiếp nhận dễ dàng hơn Những hình thức tuyên truyền ngắn, gọn, dễ nhớ thường được người dân tiếp nhận dễ dàng hơn

Hình ảnh những “ATM gạo”, các “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình”… cùng hoạt động hết công suất của các nhóm thiện nguyện trong những ngày qua không những chỉ có tác dụng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn mà còn kích thích, nảy nở lòng nhân hậu, bao dung của mọi người. Các thông tin về số ca nhiễm, số tiền ủng hộ, số người tử vong vì dịch bệnh, các thông tin liên quan đến vaccine liên tục được cập nhật đã giúp mọi người có hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh…

Màn hình điện thoại thông minh sử dụng ứng dụng Zalo xuất hiện dòng chữ “Bạn đang ở vùng dịch và cần giúp đỡ? Gửi thông tin và cập nhật tình hình của bạn lên Zalo ngay”. Thông tin về đường dây nóng phản ánh của người dân, thông tin cần giúp đỡ đã được MTTQ, Sở Thông tin - Truyền thông thiết lập và công bố công khai. Đây không chỉ là cách thức để các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, giải đáp những thắc mắc của người dân, đồng thời, thể hiện chính quyền, đoàn thể luôn ở bên cạnh người dân trong cuộc chiến cam go này.

Mạng xã hội, dù trong nhiều trường hợp không phải là một kênh thông tin tuyên truyền chính thống, nhưng trong truyền tải thông tin về phòng, chống dịch đã có những đóng góp không nhỏ. Qua đó, những thông tin về dịch bệnh đến được với mọi người nhanh hơn, rộng rãi hơn; mọi người kết nối, liên kết với nhau nhiều hơn; những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động đã được truyền đi nhanh hơn, giúp mọi người vững tin hơn vào sự tử tế của đại bộ phận trong xã hội chúng ta…

Thế nhưng, những thông tin về phòng chống dịch hiện nay lại “vàng thau lẫn lộn” trên mạng xã hội, ít nhiều gây hoang mang cho mọi người. Chẳng hạn, chúng ta không khỏi buồn lòng khi đâu đó đã có nhiều thông tin bị bóp méo, xuyên tạc. Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt “chuyên gia dịch tễ online”, “bác sĩ online”, “chuyên gia y tế” “biết tuốt” với những bài thuốc, những hướng dẫn, những chỉ bảo... Các thông tin xuyên tạc, xấu độc chống phá công cuộc phòng chống dịch cũng tràn lan. Những thông tin kiểu như “TPHCM sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới” với lời kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa đã làm cho công tác phòng chống dịch thêm khó khăn, bởi nó khiến hàng hóa bị khan hiếm khi người dân tập trung mua với số lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu không bị tác động bởi những “tin giả” trên, nếu mỗi người dân bình tĩnh hơn, không dồn dập tích trữ hàng hóa sẽ góp phần giảm tải cho các cơ quan có trách nhiệm và cũng góp phần san sẻ với cộng đồng để nhiều người có cơ hội được tiếp cận hàng hóa thiết yếu.

Tuyên truyền bằng các sản phẩm đồ họa thường được sử dụng nhiều trong công tác phòng, chống dịch Tuyên truyền bằng các sản phẩm đồ họa thường được sử dụng nhiều trong công tác phòng, chống dịch

Những ngày đầu thành phố bước vào đợt cao điểm chống đợt dịch lần thứ 4, một số trang mạng của người có ảnh hưởng tới cộng đồng (KoL) đã lấy những số liệu không phù hợp để cho rằng tử vong do nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ rất thấp và kêu gọi mọi người không sợ hãi mà hãy “sống chung với dịch bệnh”. Đây thực sự là những thông tin vô cùng nguy hại bởi nó làm cho người dân chủ quan với dịch bệnh. Gần đây lại xuất hiện những bài viết trên mạng gây chia rẽ, kỳ thị vùng miền gây ra làn sống phẫn nộ trong cộng đồng…

Tất nhiên, các tin giả, tin xấu tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng đã nhanh chóng được Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhanh chóng xử lý. Cách khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm khắc của các cơ quan có trách nhiệm đối những trường hợp này và sau đó việc công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp người dân hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách, biện pháp chống dịch của chính quyền các cấp.

Hiện nay, cách các cơ quan truyền thông đưa tin về dịch bệnh từ số ca khỏi bệnh, số mắc mới ở các tỉnh thành, số người tử vong cùng các diễn tiến liên quan đã giúp cho mọi người có hình dung rõ ràng hơn về dịch bệnh. Không những vậy, những thông tin về bản đồ dịch Covid-19 cũng có tác dụng không nhỏ giúp người dân có cái nhìn đầy đủ, toàn cảnh về dịch. Chúng ta không phủ nhận rằng những tin tức phũ phàng về dịch bệnh nhiều khi lại có sức cảnh tỉnh, răn đe để mỗi người cần cẩn thận hơn, có ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch hơn, tránh tâm lý chủ quan. Thế nhưng, nếu thông tin quá xoáy sâu vào những bất cập, hạn chế trong phòng chống dịch sẽ làm cho người dân hoang mang, sợ hãi. Vì vậy, việc đưa tin này rất cần trách nhiệm và mẫn cảm của các cơ quan truyền thông để xác định liều lượng của thông tin cho phù hợp.

Công cuộc phòng, chống dịch ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thể là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp. Trong đó, công tác tuyên truyền vẫn sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng, nhất là đóng vai trò ở việc nâng cao trách nhiệm công dân, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, khi đưa tin, chia sẻ thông tin, tránh phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin xuyên tạc... Đây là lúc rất cần vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời phát huy vai trò của từng cá nhân trong công tác tuyên truyền.

Hồng Phúc

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo