Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Hãy là người “chia sẻ có trách nhiệm” với các thông tin cá nhân!

Cách bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng. (Ảnh: TTXVN)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Theo báo cáo tổng quan ngành digital tại Việt Nam của WeAreSocial và Hootsuite, vào tháng 1/2021, nước ta có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,7% dân số. Hiện chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể dễ dàng chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Tuy nhiên, sự thuận tiện này cũng có thể trở thành mối lo khi thực tế nhiều người tự ý chia sẻ thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Thông tin cá nhân có thể hiểu là họ tên, ngày sinh, hình ảnh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ nhà, thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu... Những thông tin thuộc bí mật cá nhân có thể kể hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng… và những tài liệu mang tính riêng tư khác.

Gần đây, nhiều vụ việc đăng tải thông tin cá nhân gây bức xúc trong dư luận. Thí dụ, đoạn video một công nhân ở Khánh Hòa bị phạt với lý do “bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm” lan truyền trên mạng xã hội, mà clip do người trong nhóm cán bộ phường quay lại và đăng tải không có sự đồng ý của anh công nhân. Hay mới đây, 8 số điện thoại được chia sẻ rộng rãi trên mạng vì được cho là số của người chạy xe cấp cứu chở miễn phí bệnh nhân Covid-19 tới các bệnh viện tại TPHCM; trên thực tế chỉ có 4 trong các số đó xác nhận vẫn đang thực hiện việc vận chuyển. Việc lan truyền số điện thoại cá nhân này gây ra nhiều rắc rối cho chủ nhân của số điện thoại trong khi chính các bệnh nhân có thể không được chuyển đến bệnh viện kịp thời vì phải mất thời gian gọi các số không đúng. Thậm chí có người còn bị lấy tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại để ngụy tạo thành một phiếu xác nhận tiêm một loại vaccine ngừa Covid-19 hiện chưa được triển khai tiêm tại TPHCM khiến dư luận “dậy sóng” còn bản thân anh thì chịu nhiều phiền toái...

Dù vô tình hay cố ý, việc công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội là không nên nếu chưa có sự đồng ý, bởi vì có thể gây ra nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, việc đăng tải thông tin cá nhân của các bệnh nhân Covid-19 (ở các đợt dịch đầu) khiến cho nhiều người bị cô lập, xa lánh; hay có hiện tượng “đào lại” đời tư của bệnh nhân để bêu riếu, xúc phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các bệnh nhân. Hay trường hợp đăng video rõ mặt từng người rồi tung lên mạng xã hội với lời lẽ không hay của cán bộ, công chức đối với người dân dù phải gắn với hoàn cảnh cụ thể nhưng có thể phần nào đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước, ít nhiều ảnh hưởng xấu đến công cuộc phòng, chống dịch.

Xét ở góc độ pháp luật, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường, Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết, việc lan truyền thông tin cá nhân lên mạng xã hội là có thể xâm phạm đến bí mật đời tư. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Hay Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có quy định về bảo vệ bí mật cá nhân. Ngoài ra, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì mức phạt cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hành vi đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Hiện nay, mức xử phạt đã có nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, song Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường cũng lưu ý, sẽ có những trường hợp ngoại lệ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, tức là không có hành vi xâm phạm từ việc sử dụng thông tin cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Dĩ nhiên, điều quan trọng là việc xác định chủ thể đưa thông tin là ai, mục đích như thế nào, mức độ cân bằng lợi ích của người có liên quan và lợi ích xã hội ra sao… Điều này cần được làm rõ để tránh lạm dụng.

Bên cạnh đó, việc đăng tải những thông tin cá nhân trên không gian mạng còn có thể trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ xấu. Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chỉ rõ, kẻ xấu sẽ “biến” người dùng thành đối tượng trung gian phục vụ lừa đảo bằng cách tạo niềm tin giả từ chính thông tin, hình ảnh của người dùng. Đó là chưa kể sẽ có người trục lợi về tài chính khi sử dụng thông tin cá nhân đăng ký vay mượn tín dụng, hoặc làm các hợp đồng thuê mướn… Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều vụ việc cũng đã xảy ra, chẳng hạn như các đối tượng xấu gọi điện thông báo chủ nhân số điện thoại bị nhiễm Covid-19 và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, sổ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng… Hay có thể mạo danh nhân viên y tế gửi thư điện tử với tập tin đính kèm hoặc các liên kết dẫn đến nội dung cập nhật tình hình dịch Covid-19; nếu nhấp vào các liên kết hoặc mở tập tin, người dùng sẽ bị tấn công bởi các mã độc. Khi thông tin cá nhân bị lộ, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều chiêu trò lừa đảo nguy hiểm.

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân bảo vệ thông tin cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân bảo vệ thông tin cá nhân.

Trên thực tế, việc đăng tải thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý có nhiều tình huống khác nhau. Về động cơ, không phải trường hợp nào đều xuất phát từ mục đích xấu; nhiều khi việc chia sẻ là vô ý, khi cho rằng điều đó có thể vô hại hoặc đã thấy nhiều người khác làm rồi mà không lường hết hệ lụy. Có khi, điều đó lại bắt nguồn từ lòng tốt, muốn giúp đỡ mọi người (như trường hợp chia sẻ số điện thoại người chở bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu…) nhưng không xác định rõ thông tin mình dẫn lại có chính xác không, có gây ra hệ quả hay hậu quả gì không... Thậm chí, có người dùng thông tin cá nhân của người khác để phục vụ mục đích sai trái nào đó, rồi người khác không rõ lại vô tư chia sẻ (như một người cung cấp lên mạng xã hội một số điện thoại cho rằng đây là số của người sẵn sàng nhận giúp đỡ người khác, nhưng kỳ thực là nhằm làm cho người đó bị gọi liên tục, để trả đũa cá nhân). Do đó, dù với mục đích gì, chúng ta cũng không nên chia sẻ thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nếu chưa được đồng ý.

Để là người sử dụng mạng xã hội văn minh, mỗi cá nhân cần ý thức rằng, thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác được pháp luật bảo vệ và không ai có quyền xâm phạm. Chính vì thế, không nên và không được chia sẻ những thông tin cá nhân của bất kỳ ai nếu chưa được sự đồng ý của người đó (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác). Với những thông tin về hình thức mang tính cộng đồng (chẳng hạn, tên tuổi cá nhân, kể có địa chỉ hay số điện thoại, được cho là đang tham gia công tác xã hội - từ thiện; hoặc những thông tin mang tính cảnh báo, cảnh giác, như thông tin về người nào đó được cho là kẻ lừa đảo, phạm pháp…), chúng ta cần xác minh lại tính chính xác của thông tin, tránh trường hợp chia sẻ thông tin không có kiểm chứng. Hay nói cách khác, chúng ta nên “chia sẻ có trách nhiệm” đối với bất kỳ thông tin gì.

Đặc biệt, các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước cần có giải pháp định hướng, quán triệt cho đảng viên, cán bộ, công chức nắm rõ các quy định về thông tin cá nhân và bảo vệ thông tin cá nhân. Thông qua các kênh tuyên truyền, cán bộ, đảng viên cần góp phần thúc đẩy việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội để giúp người dân có nhận thức đúng đắn về thông tin cá nhân cũng như những hệ quả từ việc làm lộ thông tin cá nhân của người khác. Dĩ nhiên, công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.

Hồng Diễm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo