Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Hai Bộ trưởng trả lời về giải pháp chống ngập úng đô thị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm đến vấn đề giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, nhất là các đô thị lớn; vấn đề khai thác khoáng sản bền vững; phát triển kinh tế biển; an ninh nguồn nước; giải pháp xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải…

Nhiều ĐB quan tâm đến Giải pháp khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đến mức phải tổ chức cứu trợ, đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc giải quyết việc thiếu nước dùng của người dân.

Trả lời về tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, Bộ trưởng nhận định biến đổi khí hậu có tác động rất lớn trên nhiều vùng miền trên cả nước. Chúng ta phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Cùng với đó, hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; đảm bảo sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng chống hạn hán.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực. Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân. Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới. Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho Nhân dân.

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn về nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị, cho rằng trong những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên? Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận tình trạng trên do quá trình phát triển đập, ao hồ, thủy điện và đây là một trong những nguyên nhân do quá trình đô thị hóa. Trước đây, chúng ta chưa quy hoạch bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Hiện nay mới chỉ là quy hoạch phát triển đô thị, chủ yếu về hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát về định hướng lâu dài. Ao, hồ là để điều tiết, giữ, tích trữ nước khi mưa lớn, hệ thống thoát nước chảy không kịp. Ao, hồ còn là cảnh quan môi trường trong đô thị nhưng đây cũng là nhân tố gây ngập úng đô thị vì do mật độ xây dựng.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa đảm bảo ở nhiều đô thị. Do đó, để chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống phải đồng bộ, phải có thể tích để chứa, để thoát. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn thời gian tới, có nhiều ao hồ vừa là cảnh quan vừa là nơi tích trữ nước, giữ nước khi mưa lớn, chống tràn, ngập úng ở các đô thị. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM…

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Bình Thuận Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Bình Thuận

Trả lời thêm về vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân như tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị; việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp, như tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung hoàn thiện thể chế và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải. Cùng với đó, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị. Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.

Phiên chất vấn sáng 4/6 Phiên chất vấn sáng 4/6

Trong sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã cùng “chia lửa” trả lời chất vấn về vấn đề hồ chứa nước, hồ thủy lợi và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án, trong đó nêu tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TPHCM; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Về tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, đã đến lúc cần phải thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước. Theo Bộ trưởng, Việt Nam không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo