Thứ Năm, ngày 20 tháng 3 năm 2025

Góp giải pháp thí điểm chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ý kiến các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và trên 10% trong những năm tiếp theo, đặc biệt để triển khai ngay Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐB. Nêu thực tế ở một số địa phương, ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết, nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng và ngang bằng nhiệm vụ. Việc xây dựng lực lượng nhân sự khoa học và công nghệ có chất lượng cao không chỉ giải quyết rào cản nguồn lực, tận dụng tư duy đột phá, chống chảy máu chất xám mà còn có thể phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái bền vững.

Để con người thực sự vừa là giải pháp ưu tiên hàng đầu cũng vừa là giải pháp mang tính quyết định cho nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt như: cơ chế tiền lương, thưởng hỗ trợ cho các nhà khoa học đầu ngành tương tương với các nước trong khu vực; triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm, thu hút các chuyên gia đầu ngành của quốc tế. Đồng thời, triển khai các chính sách đặc biệt dành cho đội ngũ nhà khoa học trẻ. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ tài chính khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trẻ; cung cấp vốn không hoàn lại, vốn vay ưu đãi cho các dự án nghiên cứu; ứng dụng công nghệ của trí thức trẻ, hỗ trợ chi phí đăng kí sở hữu trí tuệ...

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cũng cho rằng, để phát triển những ngành khoa học và công nghệ mới thì nhân sự luôn là vấn đề cơ bản nhất. Việt Nam hiện cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao này. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. Để có đủ số lượng này, theo ĐB Hoàng Minh Hiếu, vừa cần có các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đào tạo nhân lực trong nước, vừa cần có những nhân sự người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số ĐB cũng cho rằng, một trong những vấn đề then chốt có ý nghĩa khuyến khích đổi mới sáng tạo là cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn Nhà nước hoặc vốn kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân) theo hướng “người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước”. Cùng với đó là quy định về cơ chế thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình việc cần tăng ngân sách chi cho khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro. ĐB cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục chi ngân sách, mạnh dạn bỏ hẳn chính sách đấu thầu, chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khoán chi đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Phiên họp Quốc hội sáng 17/2 Phiên họp Quốc hội sáng 17/2

Cũng trong sáng 17/2, Quốc hội thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thảo luận về nội dung này, các ĐB cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và các mặt tích cực, dự án còn phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng, cụ thể như về tài chính, công nghệ và an toàn, môi trường và xã hội, địa chính trị. Để dự án thực hiện được thành công, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững…

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội họp riêng, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội và thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo