Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động

Chủ tịch Công đoàn Công ty Coca-Cola chia sẻ những cách làm hiệu quả tại đơn vị góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 12/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Thủ Đức tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động” năm 2024. Tham dự có các đồng chí: Võ Minh Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức; Nguyễn Thị Ngọc Hương, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức.

Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ TPHCM; Trần Phước Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức.

Báo cáo đề dẫn, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Ủy viên Thường vụ LĐLĐ TP Thủ Đức cho biết: LĐLĐ TP Thủ Đức có 1.664 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với 87.264 đoàn viên/180.997 lao động; trong đó, khu vực ngoài Nhà nước có 1.330 CĐCS. Trên địa bàn TP Thủ Đức hiện có 508 doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn (cao nhất 50.000 đồng/suất, thấp nhất 15.000 đồng/suất); 376 doanh nghiệp hỗ trợ tiền bữa ăn (cao nhất 55.000 đồng/suất, thấp nhất 5.000 đồng/suất). Các doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau như: tự tổ chức bữa ăn giữa ca, thuê nhà cung cấp suất ăn, hỗ trợ bằng tiền…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH và Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động” còn một số tồn tại hạn chế. Còn 1 số doanh nghiệp chưa hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho người lao động hoặc thực hiện bữa ăn giữa ca có giá trị từ 15.000 đến 20.000 đồng. Chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể về bữa ăn giữa ca còn hạn chế; giá cả thị trường lạm phát ngày càng cao, nguồn thực phẩm và các chi phí khác cũng tăng cao qua các năm, do đó, mức 15.000 đồng không thể đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động...

Nhiều ý kiến tại tọa đàm khẳng định chất lượng bữa ăn giữa ca đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và năng suất lao động của người lao động. Thời gian qua, các CĐCS đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca và hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động. Để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, các đại biểu cho rằng CĐCS cần chủ động hơn nữa trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, đưa bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể; quy định giá trị bữa ăn giữa ca căn cứ theo lương tối thiểu vùng. Đối với doanh nghiệp đông công nhân, cần có chuyên gia dinh dưỡng kiểm soát giá trị dinh dưỡng khẩu phần ăn…

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Phước Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao những đóng góp, quan tâm của các doanh nghiệp đối với bữa ăn giữa ca cho người lao động. Qua đó, đồng chí đề nghị CĐCS tại các doanh nghiệp cần quan tâm, thương lượng nâng mức hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho người lao động nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất lao động; tăng cường công tác đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động...

Lương Hợp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo