Các đồng chí lãnh đạo TP Thủ Đức cùng các đại biểu dâng hương tại Đình thần An Khánh. (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/12, Ban Quản lý Đình thần An Khánh, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức tổ chức Lễ Kỳ yên Đình thần An Khánh năm 2024. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy Thủ Đức; Trần Hữu Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức; Mai Hữu Quyết, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đưc…
Tại buổi Lễ, ông Lê Văn Tốt, Trưởng Ban quý tế Đình thần An Khánh cho biết, Lễ Kỳ yên hàng năm được tổ chức vào ngày 15, 16 và 17/11 Âm lịch nhằm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bá gia, ba tánh trong địa phương được ấm nó hạnh phúc. Lễ cúng được thực hiện theo truyền thống của tiền nhân lưu lại phù hợp với tín ngưỡng dân gian tại địa phương.
Sau phần Lễ, các đại biểu cùng người dân dâng hương cầu cho Quốc thái dân an, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng.
Lễ Kỳ yên đình An Khánh năm Giáp Thìn 2024 diễn ra với các hoạt động chính gồm: Lễ Cung nghinh sắc thần, Lễ Tế Thần nông, Lễ Túc yết - Xây chầu - Hát đại bội, Lễ Chánh tế và An vị sắc thần… Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương, thu hút đông đảo người dân khắp nơi về dự. Người dân đến với Lễ Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc, cầu cho quốc thái dân an, mọi người được ấm no hạnh phúc, còn là dịp ôn lại truyền thuyết lịch sử ông cha ta khai hoang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, ngày 14/12, tại Di tích Quốc gia Đình Phong Phú, Ban Quý tế đình long trọng tổ chức Lễ Kỳ yên năm 2024. Lễ Kỳ yên Đình Phong Phú được tổ chức ngày 14 và 15/11 Âm lịch hàng năm. Theo thông lệ cổ truyền thường niên, Lễ Kỳ Yên Đình Phong Phú năm Giáp Thìn được tổ chức phần lễ trang nghiêm, phần hội mang không khí vui tươi, rộn ràng với các hoạt động chính gồm: Lễ Cung nghinh sắc thần, Lễ Tế Thần nông, Lễ Túc yết - Xây chầu - Hát đại bội, Lễ Chánh tế và An vị sắc thần… Bên cạnh đó, Lễ Kỳ Yên Đình Phong Phú năm nay còn diễn ra các hoạt động hát tuồng hát bội….
Đình Phong Phú được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Đình đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, uy nghiêm. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, các cụ trong hội đình đã có nhiều đóng góp trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đình không chỉ là nơi thờ cúng thần của làng, mà còn là căn cứ cách mạng quan trọng, là nơi ẩn náu, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí cho bộ đội. Cũng chính ngôi đình này, bộ đội địa phương xuất phát tấn công nhiều đồn giặc Pháp.
Năm 1993, đình Phong Phú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa – cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.