Chính sách về phát triển khoa học và công nghệ phải bảo đảm tính thực tiễn
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải đã báo cáo kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Theo báo cáo, những năm qua, TPHCM luôn chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Công tác phát triển khoa học và công nghệ TP trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng chí Phạm Đức Hải báo cáo với đoàn công tác Bên cạnh đó, TP luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển TP. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 – 2021, năng suất lao động xã hội của TP cao hơn 2,7 lần so với cả nước và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
Cùng với đó, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế. Riêng giai đoạn 2015 - 2021, TP đã huy động được số lượng lớn các nhà khoa học tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của TP. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, có khoảng 144.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (trong đó có 2.500 đơn đăng ký sáng chế), 14.271 bài báo từ các kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố trong và ngoài nước.
Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, Thành ủy TPHCM đã rút được ra các bài học kinh nghiệm. Trong đó, TP xác định việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng và phát triển TP. TP luôn phát huy mạnh mẽ vai trò tư vấn, giám sát, phản biện, góp ý của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước trong quá trình đề ra và thực hiện các đề án, dự án, chương trình trọng điểm của TP. Các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ phải bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp sự phát triển của TP trong từng giai đoạn, tạo động lực và niềm tin trong nhân dân, từ đó huy động được sức mạnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quá trình thực hiện.
Tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đặt ra
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, TP luôn tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn để có các công trình, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết các bài toán đặt ra. Thời gian tới, TP sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho nguồn lực để thực hiện các công trình nghiên cứu; đồng thời đầu tư nhiều hơn cho khâu tổ chức thực hiện sau nghiên cứu.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, để thực hiện mục tiêu luôn là đầu tàu về kinh tế của cả nước, TPHCM phải là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phải nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân… Đó là những vấn đề thực tiễn đặt ra với TPHCM để nghiên cứu giải quyết. Với những vướng mắc khó khăn, điểm nghẽn, TP sẽ cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu sâu những vấn đề này để trên cơ sở đó có đề xuất, kiến nghị, đặt ra với các cơ quan Trung ương sẽ thuận lợi hơn, giải quyết kịp thời hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mong muốn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tích cực hỗ trợ để TP có các nghiên cứu, đề xuất của TP có đủ sức để thuyết phục Trung ương ban hành các cơ chế chính sách phù hợp cho TPHCM phát triển.
Phát biểu buổi kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi đánh giá, TPHCM là địa phương năng động, có nhiều thành tựu dựa trên ứng dụng khoa học – công nghiệp, đặc biệt khoa học lý luận, khoa học thực tiễn, nơi tạo ra nguồn lực rất lớn.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, TPHCM là nơi đã đầu tàu về kinh tế của cả nước, năng động thì các vấn đề của cuộc sống sẽ xuất hiện ở đây và có thể xuất hiện trước so với địa phương khác. Một đô thị lớn, năng động, có một loạt vấn đề đặt ra: phân hóa giàu nghèo, hạ tầng, môi trường, đời sống công nhân... Nếu nghiên cứu các vấn đề đó sẽ rất quý không chỉ cho TP mà cho cả nước, sẽ đúc kết cho kinh nghiệm chung, vì trước sau các vấn đề này sẽ xuất hiện ở nơi khác.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc GS.TS. Lê Văn Lợi nhấn mạnh, lý luận là tổng kết kinh nghiệm mà thành. Chính việc TP đang tổng kết hàng ngày, hàng giờ để đưa ra các quyết sách thức đẩy các lĩnh vực TP phát triển với tư cách một trung tâm, đầu tàu về nhiều lĩnh vực của đất nước. Kết tinh lý luận từ tổng kết và nghiên cứu khác nhau, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của TP. Các quyết sách rất cần dựa trên nhiều nghiên cứu và nội dung rõ ràng đường hướng thì sẽ tăng sức thuyết phục, giúp chúng ta thực hiện các quyết sách đó một cách tự tin và là cơ sở để thuyết phục đối với Trung ương cũng như nhân dân trên địa bàn TP.
Nhấn mạnh đến sự đổi mới sáng tạo của TP, đồng chí Lê Văn Lợi cho rằng, phải có không gian, môi trường để đổi mới sáng tạo. Muốn vậy phải có thể chế, cơ chế phù hợp. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn TP và các địa phương khác cũng như Trung ương. Từ đó, tạo luận cứ chặt chẽ, chắc chắn vừa có tính thực tiễn, vừa có góc nhìn đa diện khác nhau về lý luận; có khuyến nghị với Trung ương có quyết sách đúng đắn.
Đồng chí Lê Văn Lợi cho rằng, cách thức xây dựng quyết sách của TPHCM rất công phu từ nhiều nguồn, nhiều nghiên cứu khác nhau. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có đội ngũ nghiên cứu tương đối đông, vì vậy mong muốn Thành ủy TPHCM sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu của Học viên đi sâu tìm hiểu các vấn thực tiễn địa phương. Từ đó có đúc kết nghiên cứu sâu sắc hơn, tạo ra công trình có giá trị khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trọng hệ thống chính trị nói chung.