Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2021):

Đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM trong công tác phòng chống dịch

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) trao tặng gói thuốc hỗ trợ bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà, ngày 28/8/2021. (Ảnh: Thanhnien.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Dịch bệnh kéo dài 2 năm qua làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước bị xáo trộn và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đợt dịch lần thứ 4, tại TPHCM, dù ở hoàn cảnh nào thì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp luôn phát huy truyền thống nghĩa tình, sát cánh chung tay cùng Chính phủ, chính quyền thành phố vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Khi dịch bùng phát, bất chấp khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đã triển khai và đẩy mạnh hàng loạt các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đó là ủng hộ cho Quỹ Vaccine ngừa Covid-19, đóng góp xây dựng bệnh viện dã chiến, vận động quyên góp cung cấp khẩu trang, vật tư y tế, hỗ trợ túi thuốc F0 giúp bệnh nhân điều trị tại nhà, chăm lo các bữa ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch… Nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế (hệ thống y tế tư nhân) cử tình nguyện viên để hỗ trợ xét nghiệm, tiêm phòng, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến… Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng giá trị hỗ trợ của các doanh nghiệp cho công tác phòng chống dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết: “Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vào cuộc cùng chính quyền thành phố phòng chống dịch, chăm lo an sinh xã hội của người dân với tất cả tấm lòng, tinh thần trách nhiệm, không tiếc sức người, sức của. Nhiều doanh nhân đã hy sinh do nhiễm Covid-19 khi đi làm nhiệm vụ. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước thương dân, sự kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp TPHCM trong cuộc chiến này”.

Ngoài các khoản hỗ trợ riêng của từng doanh nghiệp, từ tháng 5 đến 8/2021, Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM (HREC) và Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) đã thực hiện nhiều chương trình tài trợ lớn, trong đó nổi bật là “Tài trợ máy trợ thở” và “Tài trợ điện thoại” hỗ trợ đường dây nóng. Tổng kinh phí cho các đợt trao tặng ước tính khoảng 9,7 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HREC kiêm Chủ tịch VREC, cùng với tấm lòng thiện nguyện của cộng đồng doanh nhân, các chương trình vừa qua là hoạt động cần thiết để góp phần quan trọng để thành phố kết thúc thời gian giãn cách xã hội, dần bước vào giai đoạn bình thường mới. “Khi doanh nhân, doanh nghiệp góp sức vào công tác phòng chống dịch thì sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho nhà nước, giúp người lao động ổn định đời sống. Qua đó, doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người lao động”, ông Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh. Thiện nguyện trong dịch Covid-19 chính là sự khẳng định cho trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; tiếp tục phát huy vai trò lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Đại diện HREC và VREC trao tặng máy thở máy thở MMD-V1 cho Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), ngày 6/8/2021. Đại diện HREC và VREC trao tặng máy thở máy thở MMD-V1 cho Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), ngày 6/8/2021.

Ngày 30/9, UBND TPHCM ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để thực hiện “mục tiêu kép” của thành phố, hiện các doanh nghiệp đang kêu gọi người lao động ở lại TPHCM, đồng thời vận động người lao động trở lại làm việc; các doanh nghiệp ra sức phối hợp với các ban ngành để đón người lao động quay lại một cách an toàn, đúng quy định phòng chống dịch.

Liên quan đến kế hoạch này, ông Nguyễn Quốc Bảo phân tích: “Người lao động được tiêm 2 mũi vaccine vẫn an toàn hơn so với về quê mà chưa được tiêm vaccine. Bà con về quê tránh dịch được 6 tháng, 1 năm thôi chứ không thể kéo dài. Nếu người lao động về quê mà thất nghiệp thì sẽ tạo gánh nặng cho địa phương. Các tỉnh thành cũng không kịp tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động về cùng lúc như hiện nay”.

Trong khi đó, Chủ tịch HUBA cho biết, thời gian tới HUBA sẽ tiến hành các hoạt động liên kết hợp tác, kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh mới nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. “HUBA cũng sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn; đồng thời sẽ đẩy mạnh vai trò tập hợp ý kiến, hiến kế, đề xuất của doanh nhân, doanh nghiệp, làm cầu nối tin cậy và hiệu quả giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố và các cấp để giải quyết các bài toán, các vấn đề trong sự phát triển của thành phố”, ông Chu Tiến Dũng khẳng định.

Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, ngược lại, Chính phủ và chính quyền TPHCM đã có các chính sách, quyết sách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Chủ tịch HUBA cho rằng: “Các chính sách đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, trả lương cho người lao động, giữ được nguồn lao động, củng cố chuỗi cung ứng. Các chính sách, quyết sách trong điều kiện ưu tiên phòng chống dịch hay thực hiện “mục tiêu kép” được ban hành, tổ chức nhanh chóng, quyết liệt và kịp thời, sát thực tế”.

Trước đó, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với tinh thần chung lấy doanh nghiệp là trung tâm, giải pháp tổng thể là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Có thể nói, những đóng góp trong tình cảnh khó khăn chưa-từng-có của doanh nghiệp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã góp phần quan trọng vào kết quả phòng chống dịch. Điều đó càng khẳng định đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đánh dấu kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ 18 đáng nhớ, có-một-không-hai ở nước ta.

Trong bối cảnh TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội theo phương châm “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và chính quyền thành phố tiếp tục có thêm những gói hỗ trợ theo từng đối tượng doanh nghiệp và mục tiêu phục hồi kinh tế cụ thể để các chính sách thiết thực và có hiệu quả cao hơn; tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính đối với các dự án đã sẵn sàng về đất đai, vốn đầu tư nhưng vẫn chưa triển khai được; tiếp tục đề nghị Chính phủ trao thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc xử lý nguồn vaccine và thực hiện việc xét nghiệm trong quá trình hoạt động…

Hồng Diễm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo