Thứ Tư, ngày 16 tháng 7 năm 2025

Đồng chí Phạm Văn Chiêu- một tấm gương sáng về cuộc đời tận tụy với Đảng, với nhân dân

Đồng chí Thân Thị Thư phát biểu tại Tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Chiêu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định (16/6/1907 - 16/6/2017), ngày 8/7, Thành ủy TPHCM đã tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề: “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định – TPHCM". Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí THÂN THỊ THƯ-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Lịch sử cách mạng đã trao cho Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn Gia Định những thử thách cam go, đòi hỏi phải tìm cách vượt qua. Vùng đất anh hùng ấy là nơi sản sinh ra những vị anh hùng, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, những nhà lãnh đạo tài năng. Trong số những người con ưu tú của vùng đất Nam Bộ, đồng chí Phạm Văn Chiêu, bác Bảy Chiêu là một trong những đại diện tiêu biểu mà tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng của mình đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào  Nam Bộ nói chung và đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói riêng.

Từ người thầy giáo đến nhà cách mạng tài năng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định

Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh ngày 16/6/1907 trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh). . Năm 1936, khi 19 tuổi, Phạm Văn Chiêu tốt nghiệp xuất sắc trường Sư phạm Sài Gòn, dạy học ở trường tiểu học Gia Định (Gò Vấp). Từ năm 1936 đến năm 1942, ông là là Hiệu trưởng trường Tổng Hóc Môn. Tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn cùng của nhân dân dưới sự cai trị của thực dân Pháp, cùng với một lòng yêu nước nồng nàn và ước mơ giải phóng quê hương, suốt thời gian dạy học, thầy Bảy Chiêu đã mang hết tâm lực của mình truyền bá  cho học sinh những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Do những hoạt động yêu nước, bác Bảy Chiêu đã hai lần bị thực dân Pháp bắt và chính trong nơi ngục sâu tăm tối ấy bác Bảy Chiêu đã được tiếp xúc với những nhà yêu nước, đảng viên cộng sản, bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Tháng 4/1944, đồng chí Phạm Văn Chiêu được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Định.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã tổ chức cho Mặt trận Việt Minh Gò Vấp ra mắt công khai, tuyên truyền cương lĩnh và chương trình của Mặt trận Việt Minh, phát động đồng bào khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một cuộc đổi đời chưa từng có với mỗi người Việt Nam; đã lật nhào chế độ quân chủ phong kiến hơn một nghìn năm, ách thống trị thực dân hơn 80 năm, giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của phát-xít Nhật suốt 5 năm. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của đất nước, làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình. Thế nhưng, hòa bình chẳng được bao lâu, chỉ một tháng sau, nhân dân Nam Bộ đã phải nổ tiếng súng đầu tiên bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng Tỉnh ủy Gia Định chủ trương xây dựng những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn, quyết tâm bám trụ, không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Gia Định, sau ngày 5/10/1945, các lực lượng cách mạng chiến đấu bảo vệ thành phố, các cơ quan kháng chiến của tỉnh Gia Định, thành phố Sài Gòn, quận Gò Vấp và một bộ phận của Xứ ủy, Tổng Công đoàn Nam Bộ... lần lượt rút về An Phú Đông. Ngày 25/12/1945, tỉnh Gia Định mở Hội nghị cán bộ tại vườn Cau Đỏ, Thạnh Lộc. Hội nghị nhất trí bám trụ tại An Phú Đông để vừa chiến đấu vừa củng cố xây dựng lực lượng kháng chiến. Bám trụ chiến đấu được ở vùng ven Sài Gòn thì có nhiều tiếng vang lớn với kháng chiến, giữ được lòng tin của đồng bào đối với kháng chiến. Tại hội nghị đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng Tỉnh ủy Gia Định quyết định chính thức thành lập "chiến khu An Phú Đông".

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp những ngày đầu kháng chiến chống Pháp sự hình thành chiến khu An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định, cũng là căn cứ địa đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, ngay sát nách trung tâm đầu não của kẻ thù, đã thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Tỉnh ủy Gia Định nói chung, đồng chí Phạm Văn Chiêu nói riêng. Đồng thời đã gây được tiếng vang lớn, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Gia Định và Sài Gòn - Chợ Lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Việc xây dựng và bám trụ thành công tại chiến khu An Phú Đông của tỉnh Gia Định kiên cường, đã đưa tỉnh Gia Định thành một trong những ngọn cờ đầu của toàn Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp về nhiều mặt, vừa chiến đấu bảo vệ xóm làng, vừa xây dựng cuộc sống mới trong các vùng do chính quyền cách mạng quản lý.

Tuy nhiên, lúc này tại tỉnh vẫn còn tồn tại hai tỉnh ủy, trước tình hình đó, tháng 10/1946, tại xã Tân Thới Hiệp, đồng chí Lê Minh Định thay mặt Khu 7 dự một cuộc họp giữa những đồng chí có trách nhiệm trong hai “Tỉnh ủy” ở Gia Định để bàn thành lập một Tỉnh ủy thống nhất. Hội nghị nhất trí cử ra một Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí: Phạm Văn Khung, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Văn Dung, Nguyễn Văn Bảo, Tô Ký, Võ Văn Thời, Nguyễn Súng, Phạm Văn Các, Trịnh Thị Miếng, Nguyễn Oắng và không cử Bí thư. Vì thế, Khu ủy Khu 7 cử đồng chí Trần Văn Thới xuống làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định(1). Tháng 10/1947, đồng chí Trần Văn Thới chuyển về Mặt trận Việt Minh Nam bộ. Đồng chí Phạm Văn Chiêu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính.

Trong suốt thời gian lãnh đạo tỉnh Gia Định của đồng chí Phạm Văn Chiêu, tỉnh Gia Định được đánh giá có thành tích nổi bật về xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân... Không những vậy, tỉnh  Gia Định còn có vinh dự được Trung ương Đảng biểu dương về thành tích lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân phát triển mạnh các phong trào kháng chiến ở địa phương. Ngày 25/4/1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tặng thưởng đồng chí Phạm Văn Chiêu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định Huân chương Độc lập vì đã “Có công giữ vững và phát triển cơ sở kháng chiến tại một địa phương liền sát địch - Có thành tích vẻ vang”. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mang về Nam Bộ ba tặng phẩm của Bác cho các đồng chí: Trần Văn Giàu, Phạm Văn Bạch và Phạm Văn Chiêu. Đây là những phần thưởng xứng đáng dành cho đồng chí Phạm Văn Chiêu do có nhiều thành tích xuất sắc lãnh đạo nhân dân Gia Định kháng chiến chống Pháp.

Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Phạm Văn Chiêu lên đường tập kết ra Bắc. Suốt những năm tháng “ngày Bắc đêm Nam” sau đó, đồng chí vẫn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó như trưởng phòng tổ chức dân chủ - Vụ Dân chính, Bộ Nội vụ (1/1955-5/1955); Trưởng tiểu ban quan hệ Bắc Nam- Ban quan hệ Bắc Nam Trung ương (6/1955-8/1955); lãnh đạo cấp vụ, người đứng đầu cấp ủy của Bộ Ngoại giao: Vụ phó Vụ Á Phi, Bộ Ngoại giao (10/1956-10/1957), Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao (10/1957-1959); Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao (1960-10/1961); Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao( từ 1958-1961); Chánh văn phòng Tổng cục thống kê… Tháng 2 năm 1968, đồng chí được nhận quyết định nghỉ hưu. Có thể nói, trong suốt cuộc hành trình ấy, dù ở đâu, trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Phạm Văn Chiêu vẫn luôn là một người con ưu tú của miền Nam, vẫn luôn tận tụy cống hiến cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến của dân tộc và đã có những đóng góp nhất định vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tấm gương sáng về cuộc đời tận tụy với Đảng, với nhân dân

Nếu Sài Gòn - Chợ Lớn là một trung tâm đô thị lớn ở miền Nam, một địa bàn chiến lược quan trọng của Nam bộ, thì tỉnh Gia Định với vị trí rất gần trung tâm đầu não của bộ máy chính quyền Sài Gòn, chính là vùng đệm, là địa bàn giáp ranh, là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng với Chi bộ Đề pô Dĩ An. Chính tại nơi này, đã diễn ra cuộc đối đầu trực diện của nhân dân ta với các thế lực thực dân, đế quốc sừng sỏ và tay sai, cực kỳ xảo quyệt, thâm độc, rất hung hãn, tàn bạo ngay cạnh trung tâm sào huyệt - nơi trú đóng các cơ quan đầu não của chúng. Thử thách rất lớn, rất gay gắt đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Định không chỉ vượt qua bao gian lao, vất vả, ác liệt, hy sinh mà còn là sự đọ sức với quân thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng cán bộ, đảng viên để tồn tại, bám trụ, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức nhân dân đấu tranh cách mạng. Là một trong những biểu trưng tiêu biểu nhất của căn cứ lòng dân, trong điều kiện hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp, bất hợp pháp thì căn cứ lòng dân là chỗ dựa tinh thần và vật chất của các lực lượng cách mạng.

Chính vùng đất ấy đã hun đúc nên ý chí và tính cách của đồng chí Phạm Văn Chiêu, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương hiến dâng trọn đời cho cách mạng, cho Đảng, cho Nhân dân. Đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của bản thân mình, gia đình mình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và nhân dân. Đồng chí Phạm Văn Chiêu, người chiến sĩ cộng sản suốt đời chiến đấu vì lý tưởng của mình, suốt đời hi sinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vượt mọi thủ đoạn tàn khốc của kẻ thù và vượt qua cả những bước thăng trầm trong cuộc sống để giữ vững khí tiết của mình, trọn đời thủy chung với Đảng, với nhân dân.

Với lẽ sống trọn đời cống hiến cho lý tưởng của Đảng, những cống hiến to lớn đã không làm cho người chiến sĩ cộng sản ấy thay đổi phong cách sống của mình, vẫn bình dị gần gũi ngay cả khi giữ những chức vụ quan trọng và càng cao quí hơn khi trở lại cuộc sống bình thường, người chiến sĩ cộng sản vẫn một lòng tin vào Đảng, một lòng kiên trung với Đảng, một lòng vì nước vì dân. Tấm gương của đồng chí Phạm Văn Chiêu là tấm gương về sự thủy chung son sắt một lòng với Đảng, mãi mãi tin vào Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một cuộc đời trong sáng thủy chung, đầy tình nghĩa, chan hòa với anh em đồng chí đồng đội.

Nhớ về đồng chí Phạm Văn Chiêu, bác Bảy Chiêu và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, càng thôi thúc thế hệ cán bộ, Đảng viên chúng ta hôm nay tiếp tục rèn luyện bản thân mình, tiếp tục phấn đấu hơn nữa để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tận tụy với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân.

__________________________________________

(1) Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2014, tr 368

* Khai mạc tọa đàm khoa học “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định – TPHCM"

* Nhà giáo, nhà cách mạng Phạm Văn Chiêu đã cống hiến không ngừng nghỉ theo thời gian

Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo