
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tổng kết buổi tọa đàm.
(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Phạm Văn Chiêu (tức Bảy Chiêu, Bảy Hổ), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định là một tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào Nam bộ nói chung và đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói riêng. Đó là những ý kiến được đưa ra tại tọa đàm khoa học “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định – TPHCM” do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 8/7.
Khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh ngày 16/6/1907, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 9, TPHCM). Đồng chí từng tốt nghiệp xuất sắc Trường Sư phạm Sài Gòn (năm 1936), dạy học ở Trường Tiểu học Gia Định (Gò Vấp) và làm Hiệu trưởng Trường Tổng Hóc Môn (từ năm 1936 – 1942). Tại tọa đàm, nhiều ý kiến thống nhất, với lòng yêu nước nồng nàn và ước mơ giải phóng quê hương, suốt những năm tháng đi dạy học, thầy giáo Phạm Văn Chiêu đã mang hết tâm lực truyền bá cho học sinh những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TPHCM Nguyễn Trọng Xuất cho rằng, nhà giáo Phạm Văn Chiêu đã có sức ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều thế hệ trẻ Sài Gòn - Gia Định trong những năm 40 của thế kỷ 20. Sức mạnh của tinh thần yêu nước từ những người thầy như Phạm Văn Chiêu, đã làm động lực khơi dậy tình yêu nước cho thế hệ thanh niên khi đó.
Với những kỷ niệm được gặp đồng chí Phạm Văn Chiêu trong thời gian được học tập tại miền Bắc, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM Lê Minh Ngọc xúc động kể: “Chúng tôi - những học sinh miền Nam, cả cuộc đời không thể nào quên những ngày tháng tuổi trẻ trên đất Bắc vào những năm tháng khó khăn thiếu thốn của đất nước, chúng tôi may mắn sống gần bác Bảy (đồng chí Phạm Văn Chiêu). Không chỉ lo cho chúng tôi ăn, mà bác còn dạy bảo từng li từng tí. Từ sự chân tình ân cần ấm áp, từ phẩm chất người đảng viên Cộng sản của bác… mà những đứa con Sài Gòn - Gia Định của bác đã phấn đấu học tập tu dưỡng tốt, với ước nguyện mai này đủ tài và đức về miền Nam phục vụ. Riêng tôi, bác đã hướng dẫn và khen tôi chọn ngành sư phạm là đúng, và động viên tôi phấn đấu để trở thành một cô giáo giỏi. Tôi tự hào vì mình đã nối nghiệp nghề thầy giáo của bác Bảy”.
Ông Phạm Minh Hiền (con đồng chí Phạm Văn Chiêu) kể: “Cha tôi không chỉ nuôi dạy các con và lớp trẻ khôn lớn, trưởng thành, mà quan trọng nhất là ông đã định hướng và dìu dắt các con, các cháu đi theo con đường cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên, noi gương các bậc tiền bối, đóng góp tất cả tuổi trẻ, sức lực và cuộc đời của mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Đồng chí Phạm Minh Hiền, con trai đồng chí Phạm Văn Chiêu phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm.Đại diện cho thể hệ trẻ TP, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn chia sẻ, nghĩ về đồng chí Phạm Văn Chiêu, đoàn viên, thanh niên TP biết đến một hình ảnh, một nhân cách cao đẹp của một nhà giáo cách mạng truyền đạt đến học sinh những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước và được gọi với cái tên trìu mến là thầy bảy Chiêu. Nhân cách cao đẹp, tinh thần vượt khó học tập, nâng cao trình độ, hết lòng truyền đạt tri thức tiến bộ cho thế hệ tương lai của đồng chí Phạm Văn Chiêu là nguồn cảm hứng, là động lực quan trọng cho thế hệ trẻ TPHCM trong quá trình phấn đấu học tập nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm.Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Định, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã tổ chức cho Mặt trận Việt minh Gò Vấp ra mắt công khai, tuyên truyền cương lĩnh và chương trình của Mặt trận, phát động đồng bào khởi nghĩa giành chính quyền. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất, một trong những dấu ấn đặc sắc của đồng chí Phạm Văn Chiêu là đã cùng Đảng bộ và nhân dân Gia Định tổ chức thành công Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí là người trực tiếp đưa ra ý tưởng xây dựng Chiến khu An Phú Đông cũng như có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ chiến khu trước các cuộc càn quét của kẻ thù.
PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Chiêu với Chiến khu An Phú Đông vẫn là những trang đậm nét trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Đặc biệt, với quá trình chỉ đạo xây dựng và bảo vệ Chiến khu, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với việc xây dựng căn cứ địa. Tất cả nội dung đó là những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chắt lọc, vận dụng trong công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn TPHCM hiện nay.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng, tên tuổi đồng chí Phạm Văn Chiêu đã gắn với thời kỳ lịch sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Gia Định anh hùng. Các thế hệ tiếp nối sẽ luôn nhớ về đồng chí, học tập ở đồng chí những phẩm chất quý giá của một con người luôn son sắt với lý tưởng và sự nghiệp vĩ đại của nhân dân.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm.Không chỉ là một lãnh đạo cách mạng xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã có nhiều đóng góp cho ngành ngoại giao của nước ta. Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ; nguyên Trưởng Đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc Võ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao, với tố chất của một người cộng sản năng động, có tư duy sáng tạo, dày dặn “kinh nghiệm trận mạc”, vượt qua biết bao khó khăn thử thách trong thời chiến, đồng chí Bảy Chiêu đã có một hiến kế tuyệt vời. Đó là xin Ban Tổ chức Trung ương điều động về Bộ Ngoại giao những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, là giáo sư đã từng giữ cương vị Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến/hành chính một số tỉnh Nam bộ. Hiến kế này đã giúp Bộ Ngoại giao có được nhiều cán bộ đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm trọng trách quan trọng.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cho rằng tọa đàm đã đánh giá sâu sắc, trung thực, khách quan và toàn diện; có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn, xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn cũng như những phẩm chất cách mạng của đồng chí Phạm Văn Chiêu. Qua đó, đã rút ra nhiều bài học để vận dụng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Sự tận tụy và sáng tạo trong tổ chức, chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Phạm Văn Chiêu đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Gia Định đi đến thắng lợi. Đồng chí Phạm Văn Chiêu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực công tác cán bộ của Đảng, của Bộ Ngoại giao, đã trở thành bài học quý giá.
Lãnh đạo TP chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu tại buổi tọa đàm.Đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh: Dù đương nhiệm hay khi về hưu, dù là một thầy giáo đứng lớp truyền đạt kiến thức hay một nhà cách mạng kiên trung, ở đồng chí Phạm Văn Chiêu vẫn toát lên một tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ theo thời gian. Tinh thần đó là nguồn động lực to lớn và là tấm gương để đội ngũ cán bộ, công chức TP học tập và noi theo.