Lịch sử cách mạng hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, và Bác Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược giành độc lập, tự do cho đất nước, mãi mãi khắc ghi tên tuổi của những người trí thức tận tâm, tận lực với Đảng, tận hiếu với dân. Một trong những người như vậy - Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Với cuộc đời hoạt động sôi nổi, gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc, ông đã có nhiều đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực. Một lĩnh vực nổi bật tiếp tục cần làm rõ đó là vai trò, cống hiến của Huỳnh Tấn Phát với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15 tháng 2 năm 1913, tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) - vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng.
Tháng 9 năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư ở số nhà 68 - 70 đường Mayer[1]. Ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư tại Sài Gòn. Những công trình do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế đã gây nên một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp. Với tài năng và năng lực làm việc của tuổi trẻ, chỉ sau ít năm mở văn phòng, điều kiện để làm giàu một cách chính đáng mở rộng trước mắt Huỳnh Tấn Phát. Tuy nhiên, không vì tiền bạc, danh vọng mà Huỳnh Tấn Phát quên đi mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã được tiếp thu và thâm nhập vào con người ông từ khi còn là học sinh.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã thổi bùng ngọn lửa yêu Tổ quốc của biết bao người. Ông bỏ tiền chắt góp được trong những năm tháng đầu làm nghề kiến trúc sư mua lại “manchette” tờ báo công khai Thanh niên để ra báo hằng tuần (tháng 9 năm 1941). Ngay từ đầu, tờ báo đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích để tập hợp lực lượng thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước. Tờ Thanh niên trong những số cuối năm 1944 trở thành cơ quan tuyên truyền cho làn sóng văn nghệ của Lưu Hữu Phước và sự nghiệp xóa nạn mù chữ của phong trào truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ - phong trào mà Huỳnh Tấn Phát là trưởng ban cổ động và được xem như một sáng lập viên.
Từ những hoạt động sôi nổi của Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy đã tìm gặp, vận động, giác ngộ Huỳnh Tấn Phát tham gia phong trào cách mạng. Vốn có tinh thần yêu nước, thương dân, đã từng tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin và chứng kiến hành động dũng cảm của những người cộng sản, Huỳnh Tấn Phát đã tích cực giúp Trần Văn Giàu thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về tuyên truyền, vận động thanh niên trí thức. Huỳnh Tấn Phát đã dùng văn phòng kiến trúc sư của mình tại số nhà 68, đường Mayer làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Từ những lớp huấn luyện rất cơ bản này, Xứ ủy đã đào tạo kịp thời một đội ngũ cán bộ nòng cốt của phong trào; được trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin và những nhiệm vụ cấp thiết cho bước chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 5 tháng 3 năm 1945, Huỳnh Tấn Phát được Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Ông quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. Sau khi vào Đảng, Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ làm Bí thư Tân Dân chủ Đảng[2] và là cốt cán trong công tác tuyên truyền, huấn luyện thanh niên tri thức, công nhân, học sinh.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Cũng như thực dân Pháp, chính quyền phát xít Nhật luôn vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong tình thế thấy trước nguy cơ thất bại, phát xít Nhật chủ trương thành lập một tổ chức tập hợp thanh niên nhằm để lại ảnh hưởng lâu dài ở Việt Nam. “Tương kế tựu kế. Xứ ủy Tiền phong bàn bạc với các trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn, và xác định đây là cơ hội có một không hai để tập hợp lực lượng thanh niên, biến tổ chức này thành một “đạo quân chính trị”, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuối tháng 5 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Tổng thư ký. Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia phong trào này với trách nhiệm Trưởng ban Tổ chức.
Tại Sài Gòn, Gia Định, với những nỗ lực tuyên truyền, cổ động của Huỳnh Tấn Phát và các ban chuyên môn, từ tháng 6 năm 1945, phong trào Thanh niên Tiền phong diễn ra rất sôi nổi.
Để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương thực hiện công tác địch vận, đầu tiên là vô hiệu hóa Sở Cảnh sát Đặc biệt miền Đông, tức bốt Catinat và nhiệm vụ đó được giao cho Huỳnh Tấn Phát cùng Huỳnh Văn Tiểng thực hiện.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn toàn thắng. Huỳnh Tấn Phát đã có đóng góp to lớn trong thắng lợi này. Là một đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, ông xung phong, hoạt động hết mình và luôn ở tuyến đầu của mọi mặt trận. Có thể nói, với uy tín của một trí thức lớn, cùng với năng khiếu diễn thuyết được luyện tập từ nhỏ và sự khéo léo trong công tác tập hợp, tổ chức, Huỳnh Tấn Phát đã vận động được những trí thức lớn đương thời và quần chúng nhân dân thuộc các tầng lớp khác nhau đi theo cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Huỳnh Tấn Phát phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và ngay sau khi quân Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, (ngày 23 tháng 9 năm 1945), Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư có tên tuổi nên chúng phải trả tự do cho ông sau 3 ngày giam cầm ở bốt Catinat. Sau khi được thả, Huỳnh Tấn Phát ra vùng giải phóng ở Chợ Đệm, rồi lên miền Đông. Tại đây, ông được cử dẫn đầu Đoàn đại biểu thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội thanh niên toàn quốc.
Sau gần một tháng làm việc tại Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát và Trương Công Nhơn được phân công về Nam Bộ trước. Huỳnh Tấn Phát có nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ quân chính khóa V Trung ương (khoảng 70 người) tình nguyện vào chiến đấu cùng nhân dân Nam Bộ. Bộ Quốc phòng còn giao cho Huỳnh Tấn Phát chuyển một số tiền lớn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Về đến chiến khu miền Đông bàn giao tiền và báo cáo công tác với Nguyễn Bình[3]. Ông được giao nhiệm vụ tổ chức một cơ quan tuyên truyền xung phong bên trong Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm “đánh sâu” vào trong lòng địch[4].
Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 06 tháng 01 năm 1946, Huỳnh Tấn Phát được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Khoảng cuối năm 1945, nhận chỉ thị của Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát thành lập ở vùng Minh Phụng, Cây Gõ[5], một cơ quan tuyên truyền xung phong in truyền đơn, cờ, báo để phân phát trong nội thành. Tại đây, Huỳnh Tấn Phát vừa chỉ đạo hoạt động của cơ quan Tuyên truyền xung phong, vừa liên lạc với các cơ sở cách mạng trong nội thành Sài Gòn.
Ngày 01 tháng 4 năm 1946, Huỳnh Tấn Phát và hai thành viên Ban Tuyên truyền xung phong bị địch bắt tại cơ sở in và địch đưa về giam ở bốt Catinat[6]. Việc chính quyền thực dân bắt giam và mang ra tòa án quân sự xét xử, kết án Huỳnh Tấn Phát đã gây nên một làn sóng phản đối, đòi trả tự do cho ông trong dư luận và báo chí Sài Gòn.
Sau khi ra tù, Huỳnh Tấn Phát bám trụ ở Sài Gòn. Ông liên lạc với Nguyễn Văn Cúc, Bí thư Thành ủy và được tổ chức phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.
Đầu năm 1949, khi con gái thứ hai mới sinh được mấy tháng[7], theo yêu cầu của tổ chức, Huỳnh Tấn Phát thoát ly gia đình vào Chiến khu Đồng Tháp hoạt động. Ông được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam, phụ trách công tác trí vận, làm cố vấn cho tổ chức học sinh Sài Gòn và lãnh đạo đấu tranh trên báo chí công khai hằng ngày ở nội thành.
Công việc cấp thiết lúc đó của Sở Thông tin Nam Bộ là thiết lập cơ sở mới của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ ở Chiến khu Đồng Tháp và khẩn trương đưa đài vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1950, Xứ ủy Nam Bộ đã điều Nguyễn Văn Cúc[8], Thường vụ Xứ ủy về tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn[9], Huỳnh Tấn Phát là Khu ủy viên.
Để tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng đến các tổ chức quần chúng, Ban lãnh đạo Đặc khu lập ra Ban Thông tin đặc biệt (tháng 12 năm 1950) và ra tờ báo Cứu quốc (số đầu tiên ra vào đầu tháng 1 năm 1951) và Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do[10]. Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, nhằm hỗ trợ cho công tác trí vận, công vận và đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn.
Thực hiện sự phân công của tổ chức, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khắc Cần cùng với đoàn của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vượt chặng đường dài và gian nan từ khu Tứ giác miền Tây qua vùng núi rừng và đầm lầy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia về Hồng Ngự và trở lại Đồng Tháp rồi lên miền Đông - nơi đóng trụ sở của Đài[11].
Bằng uy tín của mình, Huỳnh Tấn Phát đã tụ hội được một số cán bộ, công nhân viên đông đảo từ biên tập, phát thanh viên, nhạc sĩ, kỹ thuật. Có cả cán bộ người Hoa, người Pháp. Nhiều cây bút nổi tiếng trước năm 1945 và phong trào báo chí thống nhất cũng tập hợp về góp sức xây dựng Đài.
Ngày 25 tháng 01 năm 1951, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do bắt đầu phát sóng. Đài xưng danh: “Đây là Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân đô thành anh dũng. Xin gửi đến đồng bào lời chào đoàn kết và quyết thắng!...”. Âm thanh trong, rõ và mạnh như được phát sóng giữa nội thành. Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do chính thức ra đời, bắt đầu cuộc hành trình gian lao, đầy hy sinh nhưng cũng hết sức vẻ vang[12].
Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian, nhưng Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã lưu lại trong ký ức người dân đô thành một tình cảm tốt đẹp. Nhờ đó mà kẻ địch không dễ gì xuyên tạc, lừa phỉnh dư luận. Dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Tấn Phát, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do thực sự là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân ủng hộ kháng chiến, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Cuối năm 1959, khi Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định hợp nhất thành Khu ủy Khu Sài Gòn - Gia Định, Huỳnh Tấn Phát được cử làm Khu ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác trí vận[13].
Thực hiện sự phân công của Khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định, Huỳnh Tấn Phát kiên cường bám trụ vùng ven thành phố để trực tiếp chỉ đạo xây dựng cơ sở nội thành, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hàng trăm cốt cán được ông đào tạo tại vùng Tam giác sắt, đã trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn.
Quảng cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia « Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre ». (Ảnh: An Nhiên)Giữa năm 1960, Khu ủy mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào đô thị và nông thôn. Tháng 6 năm 1960, Khu ủy triệu tập cán bộ học viên về học tại căn cứ “Rừng Già”, chiến khu Dương Minh Châu (bắc Tây Ninh). Sau đó một lớp huấn luyện mới lại được tổ chức tại căn cứ “Rừng Xanh” vùng Bời Lời (Đông Thuận - Tây Ninh) cho đảng viên, đoàn viên, cốt cán thanh niên. Huỳnh Tấn Phát là một trong những người được phân công phụ trách những lớp học này[14]. Trong suốt quá trình phụ trách các khóa học, Huỳnh Tấn Phát vừa là giám hiệu của trường, vừa soạn bài, vừa là giảng viên. Để bài giảng được phong phú, ông đi sát từng đối tượng học viên, nghe phản ánh tình hình thực tế ở cơ sở, trao đổi tình hình địch, cách đối phó, cách cùng hoạt động. Chính những lớp học này đã đào tạo cho phong trào những cán bộ ưu tú đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Sau phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, khắp các tỉnh ở Nam Bộ đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng.
Dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ, Mặt trận các tỉnh đã vận động, tổ chức nhân dân tiếp tục phát triển phong trào cách mạng ở cả nông thôn và thành thị. Với trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu ủy viên trực tiếp phụ trách công tác trí vận Khu Sài Gòn - Gia Định, Huỳnh Tấn Phát khẩn trương tổ chức liên lạc với các cơ sở nội thành Sài Gòn, móc nối, tập hợp lại lực lượng, triển khai học tập đường lối cách mạng miền Nam, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng trí vận Mặt trận đô thành Sài Gòn. Được sự phân công của Khu ủy, Huỳnh Tấn Phát về lại căn cứ Củ Chi để chuẩn bị tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Đây sẽ là một cuộc tiến công chính trị của lực lượng cách mạng ở Sài Gòn đối với địch và người đi trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công đó là Huỳnh Tấn Phát. Ông đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ nói trên một cách sáng tạo, khẩn trương và đầy trách nhiệm.
Trên cương vị là Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam[15], đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần củng cố, tăng cường mặt trận. Ông đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thái độ của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội để có chủ trương mặt trận đúng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huỳnh Tấn Phát, Ban Cán sự Trí vận Sài Gòn - Gia Định đã được thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động. Hàng loạt cán bộ trẻ được cử làm công tác vận động trí thức, tư sản được bồi dưỡng về đường lối mới của cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động bí mật, nên vẫn trụ vững giữa mạng lưới cảnh sát dày đặc của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Cùng với những đồng chí cốt cán trong lực lượng trí vận Sài Gòn - Gia Định, Huỳnh Tấn Phát đã góp phần quan trọng quy tụ trí thức tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh ở đô thị, hình thành những căn cứ địa cách mạng ngay trong lòng thành phố, trong các gia đình trí thức, các trường học. Các phong trào đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, và hơn thế đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mà ông là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ các giới bằng uy tín, đức độ và tài năng của mình.
Sau khi đất nước thống nhất, Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao tin thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và Tổ quốc.
Cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Ông là người cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân, từ nhân sĩ, trí thức, công tư chức, văn nghệ sĩ đến công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên và học sinh tham gia phong trào yêu nước.
Ông đã góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước. Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, ông trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Gần suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, đặc biệt là phong trào của giới nhân sĩ, trí thức thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
Nhân cách và tấm gương của Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu của một trí thức yêu nước cách mạng, có sức cảm hóa lớn chinh phục lòng người, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ông luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn to lớn ở ông. Đã có nhiều nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý ra vùng căn cứ kháng chiến theo Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát là người tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời mình, Huỳnh Tấn Phát đã hiến dâng cho đất nước, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
----------------------
[1] Nay là đường Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Tháng 6-1944, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, một số trí thức yêu nước, tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, thành viên của Mặt trận Việt Minh. Ở Sài Gòn, một số trí thức, sinh viên tại chỗ và từ Hà Nội “xếp bút nghiên” về Nam Bộ, sau khi dự lớp huấn luyện do Việt Minh tổ chức, thành lập Tân Dân chủ Đoàn, rồi đổi thành Tân Dân chủ Đảng. Sau đó, Tân Dân chủ Đảng (trong Nam) và Đảng Dân chủ Việt Nam (ngoài Bắc) thống nhất về mặt tổ chức dưới tên gọi Đảng Dân chủ Việt Nam. Xem Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.330.
[3] Thời gian này, đồng chí Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam phụ trách việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ.
[4] Xem Nhiều tác giả, Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr.151-152.
[5] Nay thuộc địa phận Quận 6, 11 Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Một số đồng chí ra ngoài chơi tối chủ nhật nên không bị bắt (Xem Nhiều tác giả, Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr.156, 231).
[7] Chị Huỳnh Lan Khanh, sau này hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
[8] Tức đồng chí Nguyễn Văn Linh.
[9] Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định như Thủ Đức, Gò Vấp, Trung Huyện, Nhà Bè,…
[10] Nguyễn Khắc Cần được cử làm Giám đốc đài.
[11] Khi mới thành lập, trụ sở của đài được đặt tại rừng Bàu Cá Trê (chiến khu D).
[12] Xem bài “Đài phát thanh nơi cửa ngõ Sài Gòn", in trên VOH, ngày 21-6-2015.
[13] Xem Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (1954 - 1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.114.
[14] Xem Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr.343.
[15] Đây là danh nghĩa khi Huỳnh Tấn Phát tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thực chất, ông là Ủy viên Thưởng vụ Khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận, Ủy viên Ban Mặt trận của Trung ương Cục. Xem Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr.12.