Thứ Sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024

Đọc sách ngày Tết

Hai ấn phẩm “Khảo luận về Tết” và “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” được NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ra mắt dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

(Thanhuytphcm.vn) - Tết Nguyên đán là thời gian để mọi người sum họp gia đình và thư giãn sau một năm dài bận rộn. Những năm qua, ngoài việc thăm thú các nơi ngày Tết, nhiều người đã chọn cho mình những quyển sách hay để tận hưởng những khoảnh khắc dành cho chính mình trong dịp Tết.

Trong chúng ta ai cũng thích và mong đến Tết, nhưng có mấy ai hiểu rõ về Tết - ngày lễ truyền thống lớn nhất của dân tộc. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM giới thiệu 2 ấn phẩm “Khảo luận về Tết” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng nhóm cộng tác Trương Ngọc Tường, Nguyễn Đại Phúc, Lê Hải Đăng thực hiện nhằm “giải mã” xung quanh ngày Tết để cùng giữ gìn Tết và các phong tục, tập quán diễn ra dịp Tết đến Xuân về…

Trong đó, “Khảo luận về Tết” được tác giả tìm hiểu, đối chiếu từ nhiều tài liệu, góc nhìn, đưa ra những thông tin bổ ích về việc Tết bắt nguồn từ đâu, Tết chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào, Tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử, những giá trị truyền thống đang đứng trước thách thức nhịp sống hối hả của hiện đại…, từ đó nhìn thấy tầm quan trọng của Tết đối với lịch sử - văn hóa - đời sống của dân tộc. Bên cạnh những tập tục, lễ hội Tết còn lưu giữ được, có những phong tục đang dần mai một và cần phải tìm hiểu căn nguyên, phân tích và kể lại để một mảng lịch sử không bị mất đi vĩnh viễn, cũng như có chọn lọc trong việc giữ gìn các giá trị

Còn “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” là bộ sưu tập công phu các hình thức diễn xướng dân gian - dân ca, hò, hát, lý, kể vè, nói thơ, nói tuồng, diễn xướng nghi lễ, hát sắc bùa chúc Tết… - mà tác giả cùng nhóm nghiên cứu đã dày công điều tra theo phương thức điền dã trong suốt nhiều năm (từ 1980 đến 1990) mà đến nay hầu như những giá trị văn hóa truyền miệng này đã thất truyền.

Với “Sách Tết Kỷ Hợi 2019, sau 60 năm, ấn phẩm “Sách Tết” đã trở lại Với “Sách Tết Kỷ Hợi 2019, sau 60 năm, ấn phẩm “Sách Tết” đã trở lại

Đặc biệt, sau 60 năm gián đoạn, “Sách Tết” đã trở lại góp phần phục hồi một nét văn hóa thú vị trong dịp Tết. Hơn 90 năm trước, “Sách Tết năm Mậu Thìn 1928” của Tân Dân Thư Quán đã mở lối tiên phong cho thể loại sách Tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Với nội dung chủ yếu là văn hài đàm và thơ vui, được chấp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn, “Sách Tết” được độc giả từ Bắc chí Nam ưa chuộng khi mang lại những tiếng cười sảng khoái, ý vị vào đầu năm. Thế nhưng từ sau năm 1958, không còn ấn bản “Sách Tết” hoặc hình thức tương tự được thực hiện. Mong muốn đưa nét đẹp truyền thống trong làng văn ngày Tết trở lại, NXB Văn học kết hợp với Sách Đông A ấn hành “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” với mỗi cuốn sách đều được đánh số riêng và được in màu toàn bộ. Sách do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn với đội ngũ viết tên tuổi và các họa sĩ minh họa quen thuộc, như: Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn…, thể hiện 8 chủ đề: Văn, Thơ, Nhạc, Sử, Cổ tích, Bình thơ, Góc nhìn, Vĩ thanh nhằm ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn ngày Tết hôm nay, đồng thời khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt. Sách có 100 bản đặc biệt bìa cứng, in trên giấy chất lượng cao và có đánh dấu riêng cho những người thích sưu tầm và chơi sách.

Tập tạp bút “Rồi ai sẽ kể?” của nhà báo Ngô Minh Hải đong đầy ký ức và hoài niệm Tập tạp bút “Rồi ai sẽ kể?” của nhà báo Nguyễn Minh Hải đong đầy ký ức và hoài niệm

Với những ai thích suy ngẫm, đúc kết những điều đã qua trong ngày Tết thì tập tạp bút “Rồi ai sẽ kể?” của nhà báo Nguyễn Minh Hải (Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng) do NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành là lựa chọn thích hợp. Vẫn thường trăn trở: “Khi thế hệ của ba mẹ tôi đã trăm tuổi thì ai sẽ kể cho thế hệ của con cháu nghe chuyện ông và ngày xưa đã sống và làm ăn ra sao?”, cùng những băn khoăn, mong ước lưu giữ giá trị cuộc sống về quê hương, truyền thống, phong tục còn vẹn nguyên trong ký ức, tác giả Nguyễn Minh Hải đã nhận trách nhiệm “kể chuyện” cho thế hệ sau. Tập sách với hơn 30 bài viết là những câu chuyện kể của một thời tuổi thơ nơi miền quê với ký ức của cánh cò, chăn trâu; hái trộm trái dại quê nhà; chèo xuồng đi coi cải lương; lẳng lặng ngồi nghe ca cổ thiệt mùi từ băng cassette; học bài đêm đêm dưới ngọn đèn dầu leo lét; một thời lấm lem bùn sình như đi câu cá, mò cua, bắt ốc về cải thiện bữa cơm nhà quê… Và đặc biệt gợi nhớ cái không khí ăn Tết xưa rộn ràng trong tâm trạng háo hức của cả gia đình, người chưng bông, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ gia tiên, nhang đèn nghiêm chỉnh, người nấu bánh tét, người nấu thịt kho tàu trên bếp hồng đỏ lửa, ai cũng nhanh tay nhanh chân cho kịp những thời khắc sắp giao thừa… Quyển sách vì thế dành cho những bạn trẻ đang bôn ba ngoài kia chưa thể về nhà, ôm lấy người thân, ăn bữa cơm đầm ấm, kể cho nhau nghe câu chuyện bôn ba vất vả ở ngoài kia!

Ngọc Tuyết
 Từ khóa
sách
tết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo