Thứ Tư, ngày 29 tháng 1 năm 2025

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh TPHCM làm việc tại huyện Mỏ Cày Bắc

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh TPHCM và chính quyền địa phương khảo sát địa điểm xây dựng công trình

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/5, đoàn công tác Bộ Tư lệnh TPHCM do Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre về tiến độ xây dựng công trình lịch sử Bia truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) TPHCM trên địa bàn xã Phước Mỹ Trung.

Tham dự buổi làm việc có Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn; cùng đại diện các doanh nghiệp tại TPHCM, các ban, ngành, đoàn thể huyện Mỏ Cày Bắc và xã Phước Mỹ Trung.

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung cho biết, việc khảo sát vị trí xây dựng công trình lịch sử gần nơi Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định đóng quân trước đây là việc làm vô cùng ý nghĩa. Đây là công trình lịch sử - văn hóa nhằm tri ân công lao đùm bọc, chở che, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Mỏ Cày Bắc đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT TP trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Trung, trong chiến tranh, Mỏ Cày Bắc là địa bàn đặt căn cứ lãnh đạo, chỉ huy, nuôi giấu cán bộ của tỉnh, huyện và các địa phương khác; trong đó, có Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, LLVT TPHCM. Vào tháng 7/1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư đã lãnh đạo và bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây (thuộc huyện Mỏ Cày Bắc ngày nay). Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định, được chuyển về đóng tại 2 xã Tân Phú Tây và Thành An, vì đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có truyền thống cách mạng và giác ngộ chính trị cao; địa hình nơi đây rất hiểm trở nên có thể ngăn địch phát hiện hoặc đổ quân. Chỉ bằng những vật liệu thô sơ, các du kích địa phương đã xây dựng các hầm nổi và hầm bí mật phân bố ở hai xã liên hoàn: Tân Phú Tây và Thành An, tất cả được bố trí chặt chẽ để có thể chi viện cho nhau lúc cần thiết.

Bộ Tư lệnh TPHCM trao tặng kinh phí hỗ trợ huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng nông thôn mới Bộ Tư lệnh TPHCM trao tặng kinh phí hỗ trợ huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Văn Nam đánh giá cao và cảm ơn lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc trong thời gian qua đã đồng thuận, giúp đỡ Bộ Tư lệnh TPHCM triển khai các bước chuẩn bị xây dựng công trình lịch sử. Đây là một trong những công trình trọng điểm có giá trị, ý nghĩa lịch sử thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang TPHCM (4/9/1945 - 4/9/2025). Đây cũng là tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực LLVT TP; đồng thời, ghi nhớ, trân trọng công lao đùm bọc, chở che, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Dịp này, Bộ Tư lệnh TPHCM đã trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, đoàn cũng đã đến viếng, tham quan Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Hữu Tân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo