Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025

Đô thị hóa tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường

(Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 về chuyên đề “Môi trường đô thị” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 20/7, tại Hà Nội. Báo cáo cho thấy quá trình đô thị hóa đã và đang tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường. Số lượng đô thị tăng lên rất nhanh nhưng chất lượng lại chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm không khí do bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao. Nồng độ bụi trong không khí thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, thể hiện rõ ở khu vực miền Bắc. Nồng độ bụi thay đổi theo quy luật trong ngày, đặc biệt là các khu vực gần trục giao thông. Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có xu hướng tăng. 

Đáng lo ngại, môi trường nước tại các sông, hồ khu vực đô thị đang chịu sức ép rất lớn từ các nguồn thải từ các hoạt động sinh hoạt của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế. Một số khu vực đô thị, thành phố lớn ghi nhận nước dưới đất đã bị ô nhiễm, điển hình là nhiễm amoni, các kim loại nặng như Mn, As, Pb ở một số khu vực của đồng bằng Bắc Bộ; nhiễm mặn ở một số khu vực thuộc duyên hải miền Trung, hạ lưu sông Đồng Nai, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề ngập úng tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng. Suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các khu đô thị ven biển đang trở nên phổ biến.  

Bên cạnh đó,  tình hình phát sinh và xử lý chất thải rắn ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, tăng trung bình 12%/năm, chất thải y tế 600 tấn/ngày, tăng 7,6%/năm, 34% chất thải rắn đô thị là chôn lấp. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp, trong khi đó công nghệ xử lý còn lạc hậu, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. 

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, đất tại các khu đô thị có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường đô thị một cách đồng bộ, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường đô thị, định hướng các giải pháp ưu tiên đối với nhóm các đô thị lớn cũng như các đô thị đặc trưng như đô thị ven biển, đô thị vùng núi để có những quyết sách phù hợp.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết từng bước các vấn đề môi trường nổi cộm tại các đô thị, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư; hoàn thành việc phê duyệt, rà soát phê duyệt lại quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo