(Thanhuytphcm.vn) – Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia TPHCM vừa ban hành kế hoạch Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025.
Với mục tiêu thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn Thành phố nhằm kéo giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá; nâng cao kiến thức về tác hại của việc hút thuốc lá và ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân của Thành phố.
TPHCM đề ra mục tiêu đến năm 2025: Giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%; ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá; giảm tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà xuống còn 20%; giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc xuống dưới 35%.
Với chỉ tiêu: Trên 95% người dân có kiến thức đúng về tác hại của thuốc lá; 90% người dân có kiến thức đúng về việc hút thuốc lá thụ động; trên 90% người dân có kiến thức đúng về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 90% trụ sở làm việc, cơ quan xí nghiệp triển khai thực hiện mô hình nơi làm việc không khói thuốc;100% các trụ sở, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập triển khai thực hiện mô hình nơi làm việc không khói thuốc; 100% cơ sở y tế, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện mô hình không khói thuốc; 80% các khách sạn trên 3 sao trở lên xây dựng và thực hiện mô hình không khói thuốc; trên 75% các hộ gia đình thực hiện môi trường không khói thuốc tại chính ngôi nhà của mình; 60% các bệnh viện công lập, ngoài công lập triển khai lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào hoạt động khám chữa bệnh.
Ban Chỉ đạo đề nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các Ban đảng trực thuộc Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau tại đơn vị, ngành quản lý và phối hợp liên ngành: Thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của ngành, đơn vị (có thể lồng ghép thành Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia), phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hàng năm của đơn vị, ngành quản lý. Quán triệt, phổ biến đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Quyết định số 1092/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 02 tháng 9 năm 2018 về phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Đưa quy định “Cấm hút thuốc” vào nội quy, quy chế nội bộ của đơn vị để tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, khách liên hệ công tác thực hiện. Đưa vào hương ước, quy định, quy ước cộng đồng việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Đưa mô hình xây dựng hộ gia đình không khói thuốc là một tiêu chí trong nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn hóa của gia đình, môi trường xanh sạch đẹp.
Tăng cường vận động nhằm tạo được sự ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành liên quan trong các hoạt động thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
UBND các cấp chỉ đạo việc tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả trên địa bàn Thành phố.