Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chức năng: đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Nhìn chung, trong thời gian qua, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Công đoàn các cấp đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phát động rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy động lực của người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động…
Trong đợt dịch vừa qua, các tổ chức công đoàn đã lắng nghe ý kiến của người lao động, doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch; công đoàn đã đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng các biện pháp chống dịch hiệu quả để đảm bảo sản xuất kinh doanh, người lao động làm việc an toàn; công đoàn có nhiều sáng kiến, sáng tạo, cách làm hay như tổ chức “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ an toàn Covid”, “Bảo vệ vùng xanh doanh nghiệp”; hỗ trợ kịp thời người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch; phối hợp với các cơ quan đề xuất với chính quyền hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp; nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đã gần gũi, chăm lo người lao động tại những điểm nóng về Covid-19…
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Tỷ lệ người lao động tham gia tổ chức công đoàn chưa cao; hoạt động công đoàn, nhất là ở cơ sở, chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng của người lao động và tình hình quan hệ lao động; đội ngũ cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế... Cá biệt, có tổ chức công đoàn hoạt động còn hình thức, chưa đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền lợi của người lao động. Nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng có nơi, có lúc chưa phù hợp với đặc điểm tình hình tổ chức và hoạt động công đoàn. Dịch Covid-19 trong năm qua ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, tâm tư, tình cảm của người lao động và hoạt động công đoàn…
Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, không ít khó khăn, thách thức. Những tác động của suy thoái kinh tế, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và tư tưởng của người lao động; đến việc tập hợp người lao động và phương thức tổ chức, hoạt động của công đoàn… Thách thức đó đòi hỏi tổ chức công đoàn phải tích cực đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với người lao động.
Để tổ chức công đoàn tiếp tục thể hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, bản thân các tổ chức công đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thời gian qua, khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Các hoạt động cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp và thực tế tình hình của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, trong các hoạt động cần khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động cho người lao động. Tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lao động, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để không ngừng nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, có nhiều sáng kiến, sáng tạo để góp phần thúc đẩy đơn vị phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ ba, chú trọng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, coi trọng xây dựng và tạo nguồn cán bộ công đoàn các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đoàn viên, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đoàn viên và công nhân lao động. Cần quan tâm kết nạp đảng là công nhân trực tiếp sản xuất và làm lan tỏa nhu cầu, nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong công nhân, người lao động.
Thứ tư, trong các đợt kiện toàn nhân sự chủ chốt của tổ chức công đoàn, đặc biệt là trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028 sắp tới, phải chú trọng nguyên tắc, quy trình theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín… Cần quan tâm những cán bộ công đoàn trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, am hiểu sâu sắc tình hình người lao động và doanh nghiệp...
Đồng chí Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP trao tặng quà cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Khu Công nghệ cao TPHCM. (Ảnh: LĐLĐ TP)Thứ năm, thường xuyên phối hợp cùng các cấp lãnh đạo tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng, nhất là giải quyết bức xúc, giải đáp kịp thời những kiến nghị, đề xuất của người lao động. Tránh để âm ỉ các điểm nóng trong đơn vị, nhất là ở các doanh nghiệp, có thể bùng phát thành các vấn đề phức tạp hoặc để kẻ xấu lôi kéo, tranh thủ người lao động, dẫn dắt họ đi đến con đường sai trái…
Trong bối cảnh hiện nay, toàn hệ thống chính trị cần quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về tổ chức công đoàn, hoạt động công đoàn, việc chăm lo đời sống người lao động, các chính sách bảo vệ người lao động, nhất là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…