Ít lâu sau, tờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền của Nam bộ - Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh), số ra ngày 25/8/1945 có bài “Lịch sử một cây cờ”, đã lược thuật lai lịch cây cờ của Việt Minh: Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì tháng 5/1941 nhất trí chọn cờ đỏ sao vàng là lá cờ chính thức của Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, quốc dân đồng bào đã chiến đấu rất hăng hái và dẻo dai, quyết tâm đánh đuổi quân thù. Nhiều chiến sĩ hy sinh, cây cờ càng thêm đỏ thắm…
Đến nay, các tài liệu chính thức của Đảng ta đều khẳng định, lá cờ đỏ sao vàng hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23/11/1940. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lá cờ này lần đầu do Bác Hồ sử dụng tại buổi mở lớp "Con đường giải phóng" huấn luyện cán bộ chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm 1940, và được chính thức treo lần đầu tiên vào ngày 19/5/1941, tại Pắc Bó, khi khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội. Chương trình Việt Minh sau đó đã xác định: “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm lá cờ toàn quốc”. Ngày 22/12/1944, lá cờ đỏ sao vàng được Bác Hồ trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Lá cờ đỏ sao vàng được Việt Minh sử dụng hiệu triệu nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Trong thời gian diễn ra Cách mạng tháng Tám, tại Bắc bộ và Trung bộ, hầu hết các nơi đều sử dụng lá cờ này. Riêng tại một số nơi Nam bộ, nhiều nơi cũng sử dụng lá cờ đỏ sao vàng, nhưng một số nơi khác sử dụng cả hai lá cờ, của Việt Minh và lực lượng Thanh niên Tiền phong, hoặc cờ vàng sao đỏ của Thanh niên Tiền phong, hoặc kết hợp với cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ tuyên bố độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Sắc lệnh số 5-SL quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Trong cuộc họp Quốc hội khóa I đã thông qua quy định cụ thể về Quốc kỳ vào ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ và quốc ca".
Về ý nghĩa của Quốc kỳ nước ta, nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, “tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam”, ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, đồng thời còn là màu da vàng và 5 cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam…
Dẫn giải lại quá trình ra đời và sự tồn tại của cờ đỏ sao vàng, sau này là Quốc kỳ của nước ta, để thấy rằng lá cờ đó rất đỗi thiêng liêng và tự hào, cần được sự trân trọng, bảo vệ của tất cả chúng ta. Điều dễ thực hiện hơn cả là trong mỗi cuộc chào cờ, chúng ta cần thể hiện thái độ đúng mực trước lá cờ đã thấm máu đào của bao thế hệ người dân Việt Nam để có nền độc lập, tự do như hiện nay.
Thường trực Thành ủy TPHCM và lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy chụp ảnh lưu niệm cùng với các cá nhân được khen thưởng. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)Trong thời gian qua, nhất là khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hầu hết các cơ quan (trường học, bệnh viện, cơ quan đảng, các đơn vị hành chính, đoàn thể…) đã tổ chức chào cờ ngày đầu mỗi tuần hoặc ngày thứ hai tuần đầu tiên trong tháng. Nơi nào có không gian rộng thì tổ chức ngoài trời; nơi nào không có thì tổ chức trong hội trường. Khi nhạc trỗi lên, tất cả mọi người đều cùng nhau hướng về cờ đảng, cờ nước, hát vang bài Quốc ca hùng hồn. Điều đó trở thành một thói quen tốt của nhiều người, ngay cả khi việc chào cờ có sẵn lời bài Quốc ca thì họ vẫn hát theo bằng cả tình cảm của mình.
Lồng ghép trong sinh hoạt này là kể các mẩu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về các điển hình tiên tiến học và làm theo Người, về các dặn dò, nhắc nhở của lãnh đạo đơn vị…, gắn với việc khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, nổi trội trong tháng/tuần qua. Cách làm này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên… với nhân dân, với nhiệm vụ của mình.
Ở nhiều cơ quan, khi người dân đến liên hệ để giải quyết công việc sớm hơn giờ làm việc, nhân lúc chào cờ, họ cũng tham gia một cách trang trọng, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân. Vì vậy, đây là một sinh hoạt có ý nghĩa, có tác dụng nâng cao nhận thức, tình cảm của mỗi người đối với đất nước, với nhân dân, với chức trách, nhiệm vụ của mình.
Nhiều nước trên thế giới đã có quy định các cơ quan công quyền phải chào cờ, công chức phải tập hát quốc ca, phải học tập để không ngừng nâng cao lòng yêu nước… Không chỉ vậy, trong nhiều trận đấu bóng đá quốc tế, các cầu thủ của nhiều đội tuyển được yêu cầu phải hát quốc ca, để kích thích tinh thần thi đấu vì sự kỳ vọng của khán giả quê nhà, vì tinh thần quốc gia dân tộc…
Từ ý nghĩa của việc chào cờ, có thể nói, chào cờ đầu tuần ở các cơ quan, đơn vị là một sinh hoạt có ý nghĩa tích cực, mang tính giáo dục cao. Vì vậy, phải bảo đảm và phát huy nét tích cực đó, đừng để một sinh hoạt trang nghiêm chỉ là một hoạt động “đến hẹn lại lên” hoặc “làm cho có”!