Nhân rộng các điển hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả
Theo công văn, để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM yêu cầu Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải xác định Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hết sức cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, có lộ trình, bước đi cụ thể, tránh hình thức. Bên cạnh đó, tuyên truyền và thống nhất tên gọi Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và hệ thống chính trị các cấp chủ động rà soát, đánh giá kết quả và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hoàn thành 9 mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2023 – 2025, trong đó quan tâm nhân rộng các điển hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả bằng những hình thức sáng tạo, phù hợp.
Ngoài ra, tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng người dân về Cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân TP, nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; phải làm cho người dân hiểu rõ bảo vệ môi trường, xây dựng TP sạch, xanh, thân thiện môi trường, văn minh, hiện đại thông qua Cuộc vận động là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Thành ủy TPHCM yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các tổ chức tôn giáo, cán bộ, đảng viên trong công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất túi ni-lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi thân thiện môi trường; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, các tổ chức và cá nhân bán lẻ tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni-lông khó phân hủy.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các cơ quan thông tin, báo chí cùng tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Ban cán sự Đảng UBND TPHCM lãnh đạo UBND TP tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 964-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; quyết liệt thực hiện có hiệu quả kế hoạch triển khai Cuộc vận động giai đoạn 2022 – 2025; xây dựng TP xanh – thân thiện môi trường giai đoạn 2020 – 2025 và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động hướng đến các công trình xanh, sạch chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Tập trung thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường. Đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công cộng đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân TP. Đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thân thiện môi trường; các giải pháp giảm phát thải các chất thải rắn sinh hoạt hướng đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhân viên Công ty Cây xanh TPHCM tỉa nhánh cây xanh góp phần công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Quy định trách nhiệm của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đối với tình trạng phát sinh rác thải trên địa bàn. Duy trì việc tiếp nhận, xử lý kịp thời và giải quyết triệt để theo thẩm quyền các phản ánh của người dân về tình trạng rác thải, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường; lấn chiếm lòng, lề đường; lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng cống thu nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch; hướng dẫn các địa phương thành lập các đội xung kích, tình nguyện hỗ trợ xử lý nhanh các điểm phát sinh về rác thải, vệ sinh môi trường.
Phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước sông; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước; chia sẻ thông tin và việc xử lý các địa điểm, khu vực gây ô nhiễm môi trường,...; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tạo cơ chế đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng của sông Đồng Nai.
Vận động Nhân dân ký cam kết không xả rác bừa bãi
Đối với Đảng đoàn MTTQ lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp giai đoạn 2023 – 2025; kế hoạch phối hợp xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và khu dân cư đoàn kết – nghĩa tình – tự quản; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội TP tăng cường các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, giám sát việc xả thải tại các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm, kịp thời phản ánh đến các cấp có thẩm quyền việc giải quyết của chính quyền địa phương đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo MTTQ các cấp tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với Nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường để tuyên truyền, vận động người dân tham gia cùng thực hiện chủ trương của TP và lắng nghe góp ý, hiến kế của người dân trong công tác quản lý về lĩnh vực môi trường. Vận động Nhân dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, đảm bảo thời gian thu gom rác,...
Ngoài ra, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu, chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở khu dân cư, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Riêng Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội TP, Ban Thường vụ Thành Đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện Cuộc vận động, hạn chế sử dụng túi ni – lông, xử lý, thực hiện phân loại chất thải răn tại nguồn; gương mẫu đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh khu dân cư, khu vực công cộng; tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng xử lý các “điểm đen” về rác thải, ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp cùng chính quyền các cấp vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình bảo vệ môi trường…