Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, số lượng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tương đối ổn định, các bộ, cơ quan ngang bộ không có biến động về số lượng tổng cục, vụ, cục và tương đương. Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Trong 6 tháng đầu năm, bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 3.853 người công chức, viên chức. Trong đó, bộ, ngành tinh giản 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).
Các bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng công chức, viên chức được 13.965 người (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức). Tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (bộ, ngành tuyển dụng 4 người, địa phương 26 người).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại hội nghịBộ Nội vụ đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025”. Đến nay, có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể; trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị. Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Nội vụ đã tiếp nhận và xử lý 767 đơn, trong đó có 264 đơn tố cáo, 117 đơn khiếu nại và 386 đơn kiến nghị phản ánh. Tất cả các đơn thư đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo luật định.
Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chủ động phòng ngừa vi phạm trong thực thi công vụ, Sở Nội vụ các tỉnh, TP đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 và trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 543 cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực Nội vụ (gồm 101 cuộc thanh tra và 442 cuộc kiểm tra).
Đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 6 tháng qua, toàn ngành nội vụ đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Các địa phương nỗ lực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho lĩnh vực ngành nội vụ, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như cải cách nền hành chính, đặc biệt là tập trung ổn định sự phát triển của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Các đại biểu tham dự hội nghị“Đây là điểm nhấn rất rõ, hết sức tích cực trong 6 tháng qua. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hết sức cố gắng, quyết liệt tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Đến nay, chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích và các địa phương đều rất nỗ lực. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này có nhiều địa phương đã có tốc độ rất nhanh, kịp thời để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cùng với đó, đã tập trung cao cho việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ở trung ương và một số địa phương” – đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng bày tỏ vấn đề gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng là một sự thành công ngoạn mục, đó là Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả. Đây là thắng lợi lớn của toàn ngành. Ngoài ra, ngành nội vụ đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và thúc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.
Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu ngành nội vụ tập trung bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa đổi, bổ sung 4 luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức… Đối với các địa phương, cần chủ động tham mưu cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND liên quan đến lĩnh vực ngành phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp; thúc đẩy tự chủ và xã hội hóa dịch vụ công ích; thu hút trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở…
Đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu toàn ngành nội vụ cần tập trung cho 2 nhiệm vụ lớn là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. “Bắt buộc các địa phường phải hoàn thành nhiệm vụ này trước 30/9/2024. Địa phương nào không xong phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, trước Quốc hội, Chính phủ” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh. Đối với nhiệm vụ thứ 2 là cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý có rất nhiều nội dung mới, vì vậy các địa phương cần quan tâm các vấn đề quản lý và thu nhập, các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương bền vững.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo mục tiêu đề ra. Cùng với đó là tích cực đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền; cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm “chỉ có bàn làm, không có bàn lùi”.