Khi số ca nhiễm tăng nhanh, Bệnh viện thành phố Thủ Đức được Sở Y tế và UBND thành phố Thủ Đức giao trách nhiệm thu dung, điều trị bệnh nhân F0 trên địa bàn. Theo đó, Bệnh viện phụ trách 5 cơ sở cách ly, một bệnh viện dã chiến và một bệnh viện hoạt động theo mô hình chia đôi. Từ thế mạnh là một bệnh viện hạng I đa chuyên khoa, lãnh đạo Bệnh viện đã chủ động đề xuất và tổ chức hoạt động các bệnh viện, khu cách ly trong hệ thống theo mô hình “Đa tầng, đa chuyên khoa và toàn diện”.
Mô hình 3 tầng trong điều trị Covid-19 tại Bệnh viện gồm: tầng 1 có 5 cơ sở, với 2 khu cách ly cấp phường và 3 khu cách ly cấp thành phố với tổng số 2.700 giường bệnh; tầng 2 là Bệnh viện Dã chiến chung cư Bình Minh (nay là Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức số 01) quy mô 1.500 giường; tầng 3 là Bệnh viện Điều trị Covid-19 thành phố Thủ Đức, quy mô 600 giường, trong đó có 300 giường hồi sức.
Thực hiện xét nghiệm Covid tại Bệnh viện thành phố Thủ ĐứcBa tầng điều trị trong một hệ thống bệnh viện đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển bệnh giữa các tầng. Các ca nhiễm Covid-19 có bệnh nền, không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa vào thu dung tại các cơ sở ở tầng 1, tùy theo hiện trạng sức khỏe được cấp phát ngay các gói thuốc A, B của Sở Y tế hay gói C của Bộ Y tế. Nếu các F0 ở tầng 1 có dấu hiệu trở nặng lập tức được chuyển sang tầng 2 để điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện. Nếu nặng hơn nữa thì chuyển tiếp lên tầng 3. Khi thuyên giảm lại quay về tầng 1. Các tầng trong hệ thống thường xuyên hội chẩn, trao đổi chuyên môn, phối hợp nhịp nhàng từng bệnh nhân cụ thể. Nhờ vậy, việc điều trị được tối ưu hóa, công tác đón nhận bệnh nhân chuyển tầng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các trường hợp diễn tiến nặng, cần can thiệp hồi sức hay điều trị chuyên khoa phối hợp được xử lý nhanh, hội chẩn, tận dụng thời gian vàng để kịp thời cứu người bệnh.
Người bệnh được quản lý bằng công nghệ thông tin, các cơ sở thuộc các tầng trong hệ thống sử dụng một hệ thống dữ liệu chung, giúp các bác sĩ có thể nắm được thông tin về điều trị, kết quả cận lâm sàng nhanh và chính xác nhất, giúp theo dõi và điều trị bệnh nhân hiệu quả và sát sao.
Dịch Covid-19 xuất hiện đã làm thay đổi mô hình bệnh tật trước đó. Các loại bệnh đi cùng với Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều bệnh lý kèm theo làm tăng nặng diễn tiến của Covid-19 như mang thai, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, suy thận mạn tính, béo phì... Đồng thời, Covid-19 cũng dẫn đến các biến chứng cần được điều trị tích cực, nhất là tình trạng huyết khối mạch tim, mạch não… Do đó, rất cần thiết có sự phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị người bệnh.
Trước nhu cầu thực tế đó, cùng với “nền” của một bệnh viện đa khoa chuyên sâu được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục, ECMO, X-quang di động, siêu âm, CT, MRI, DSA, hệ thống oxy trung tâm để hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch; số thuốc cho điều trị người bệnh Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế, Bệnh viện thành lập ngay 3 phòng mổ với đội ngũ gây mê riêng, hệ thống DSA, 1 hệ thống gồm 10 máy chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Các chuyên khoa sâu chuyên điều trị Covid-19 cũng được thành lập: Cấp cứu, Sản, Nhi, Ung bướu, Hồi sức, Nội, Ngoại, Đơn vị can thiệp tim mạch, Đơn vị đột quỵ. Các bệnh nhân có bệnh lý phối hợp sẽ được hội chẩn, đánh giá toàn diện bởi các chuyên khoa khác nhau để có điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 cần điều trị chuyên khoa như thai phụ, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân bị tai nạn, viêm ruột thừa, tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Nhờ vậy, đội ngũ y bác sĩ kịp thời phối hợp đa khoa điều trị và cấp cứu thành công nhiều trường hợp khó trên bệnh nhân Covid-19 như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thai sản, biến chứng tiểu đường. 100% các trường hợp trẻ sinh non từ mẹ F0 cần chấm dứt thai kỳ đã được nuôi sống thành công.
Nhân viên khoa Hồi sức Covid đang chăm sóc bệnh nhân đã từng bị ngưng tim được cấp cứu thành côngTrong đợt dịch lần thứ 4 này, Bệnh viện thành phố Thủ Đức còn được biết đến là “một công xưởng xét nghiệm Covid-19” lớn nhất tại thành phố Thủ Đức, với công suất trung bình mỗi ngày hơn 3.000 mẫu, nhờ đó giúp các bác sĩ kịp thời xác định việc bệnh nhân có nhiễm Covid-19 hay không để nhanh chóng cách ly hoặc có hướng xử lý phù hợp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn quan tâm đến công tác an sinh bằng việc triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ các chuyến xe 0 đồng, chăm lo các bé sơ sinh là con của các sản phụ nhiễm Covid-19, tặng quà cho các bệnh nhi F0, bệnh nhân không liên lạc được với người thân, hỗ trợ chi phí điều trị cho các gia đình khó khăn, chăm lo hỗ trợ cho phụ nữ thai sản khi khám và điều trị (2 - 4 triệu/người), thực hiện Chương trình “Phiên chợ 0 đồng online” cho các F0 khỏi bệnh có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tặng các món quà tự chọn qua hệ thống phần mềm trước khi xuất viện...
Qua 3 tháng thực hiện, các khu cách ly/bệnh viện trong hệ thống đã tiếp nhận 17.529 trường hợp, trong đó 12.501 bệnh nhân tầng 1, 3.495 bệnh nhân tầng 2 và 1.533 bệnh nhân tầng 3 (nhiều bệnh nhân tầng 3 được chuyển từ các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM và các trung tâm hồi sức như Ung bướu 2, Bạch Mai, Nhân dân Gia Định…). Tỷ lệ tử vong tại Bệnh viện giảm từ 4,3% xuống còn 3,2%, các ca chuyển nặng, nguy kịch không phải chuyển đến các trung tâm hồi sức khác.
Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định mô hình “đa tầng, đa chuyên khoa và toàn diện” trong điều trị Covid-19 tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức là một hướng đi đúng, đáp ứng nhu cầu thu dung số lượng bệnh nhân gia tăng trong thời gian ngắn, kịp thời cứu chữa các ca bệnh nặng, nguy kịch, từ đó giảm số ca tử vong. Đồng thời, điều đó cũng giúp Bệnh viện sử dụng nguồn nhân lực, vật lực và tài lực một cách phù hợp, hiệu quả.