Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024

Đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lãnh đạo công đoàn

Các đại biểu tham dự hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 17/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ công đoàn

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đã tiếp thu các nội dung được công đoàn cơ sở đóng góp. Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)…

Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, tiêu chuẩn người cán bộ công đoàn cần được đặt ra để chuẩn hóa và luật hóa. Cùng với đó phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm phải đi kèm để chăm lo cho đội ngũ này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TPHCM nên tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp và hội nhập. Để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động, cán bộ công đoàn phải có nghề, có kỹ năng, có tâm, có tài để thuyết phục chủ lao động thực hiện việc chăm lo, đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội thảo. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội thảo.

Liên quan đến công tác đào tạo và nâng cao năng lực lãnh đạo công đoàn, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM Nguyễn Thị Mỹ Dung cho rằng, để công đoàn hoạt động hiệu quả, cần có các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lãnh đạo công đoàn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Chí Tâm cũng cho rằng, tiêu chuẩn đối với cán bộ công đoàn cần phải quan tâm; cần có hướng dẫn với các tiêu chuẩn cụ thể mới có định hướng để đào tạo, bố trí, sử dụng đối với cán bộ công đoàn.

Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM Đàm Trung Hiếu cho rằng, Luật Công đoàn cần quy định cụ thể số lượng đoàn viên trên 1.000 đoàn viên doanh nghiệp bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn. Công đoàn cấp trên có thể giao cho công đoàn cơ sở tuyển dụng cán bộ chuyên trách công đoàn tại đơn vị cho phù hợp thực tiễn, bao gồm các quyền và trách nhiệm cụ thể.

Đồng chí Phạm Chí Tâm phát biểu tại hội thảo. Đồng chí Phạm Chí Tâm phát biểu tại hội thảo.

Xem xét mở rộng đối tượng có thể tham gia công đoàn

Liên quan đến việc bảo đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM Nguyễn Thị Mỹ Dung thông tin, dự thảo cần tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi cơ bản của người lao động, bao gồm quyền nghỉ phép, bảo hiểm y tế và an sinh xã hội. Đồng thời, đảm bảo người lao động có thể tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động của công đoàn một cách công bằng.

Đối với việc ứng dụng công nghệ số, Luật Công đoàn (sửa đổi) nên khuyến khích việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm cải thiện sự kết nối giữa người lao động và công đoàn, giúp quá trình truyền đạt thông tin, thu thập ý kiến và phản hồi trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Về việc cải thiện cơ chế đối thoại, luật cần quy định rõ ràng hơn về cơ chế đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và công đoàn để tránh tình trạng tranh chấp lao động, đồng thời đảm bảo việc thương lượng có hiệu quả.

Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu tại hội thảo. Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu tại hội thảo.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, doanh nghiệp không nợ lương, bảo hiểm xã hội một người mà nợ hàng loạt người lao động, vì vậy yêu cầu ủy quyền rất khó khăn, chưa kể phí ủy quyền cũng là rào cản. Vì vậy, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần luật hóa, khẳng định Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động nên họ được quyền trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Góp ý cho khoản 2, Điều 27, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TPHCM Phạm Quốc Thuần đề nghị chỉnh sửa thành “cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng ít nhất 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương”.

Đề cập đến việc mở rộng đối tượng tham gia tổ chức công đoàn, một số ý kiến đề xuất, nên xem xét mở rộng đối tượng có thể tham gia công đoàn, không chỉ giới hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp mà còn các ngành nghề tự do, lao động thời vụ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đa dạng.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo