Cuộc chiến đấu của toàn dân và được toàn dân ủng hộ
Bằng đường lối đúng đắn của mình, Đảng Lao động Việt Nam đã quy tụ và phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân để thực hiện khát vọng thống nhất và hòa bình. Với mục tiêu thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, lớp lớp thanh niên ưu tú đã xếp bút nghiên lên đường, những người bà, người mẹ, người chị ở khắp mọi nơi đã trở thành hậu phương, thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người trên trận tuyến. Hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho chiến trường lớn miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sức mạnh vĩ đại tạo nên chiến thắng này đã một lần nữa được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đúc kết trong bài phát biểu kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 2010): “Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ vì miền Nam ruột thịt, quân và dân miền Bắc vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời sẵn sàng chi viện, đáp ứng mọi nhu cầu của tiền tuyến. Ở miền Nam - Thành đồng Tổ quốc, dù phải chịu sự đàn áp dã man, tàn bạo của địch, nhưng với ý chí quật cường, bất khuất, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo miền Nam một lòng, một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch, vào sự nghiệp thống nhất đất nước, anh dũng chiến đấu, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Chiến thắng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 20/12/1960. Ngay khi ra đời, Mặt trận đã quy tụ xung quanh mình tất cả các giai cấp, dân tộc, đảng phái với mục đích chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai. Đại hội lần thứ nhất Mặt trận ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) đã long trọng tuyên bố Chương trình của Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh chống xâm lược, thống nhất đất nước.
Nguyện vọng giành độc lập và thống nhất đất nước, sự ủng hộ của đa số nhân dân đã trở thành yếu tố quyết định giúp Việt Nam thắng lợi dù thế yếu hơn rất nhiều về trang bị quân sự. Người Mỹ thất bại bởi họ đã không hiểu Việt Nam, không hiểu nền văn hóa và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, không hiểu rằng cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu của toàn dân và mỗi người dân đều là một chiến sĩ. Tất cả mọi người dân Việt Nam khi đứng lên cầm súng chiến đấu đều nghĩ rằng mình đang chiến đấu vì lẽ phải, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân, làng mạc, gia đình. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara, “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong cuốn hồi ký mang tên Hồi tưởng xuất bản năm 1995 đã thừa nhận 11 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh này, trong đó có những đánh giá thấp về tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh Việt Nam.
Nghệ thuật vừa đánh vừa đàm và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và nhân dân Mỹ
Vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, tháng 12/1965, Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết Trung ương 12, trong đó chỉ rõ “đánh đến một lúc nào đó sẽ vừa đánh vừa đàm” nhưng nhận định “tình hình chưa chín muồi cho một giải pháp”. Để gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán, ngày 28/12/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon bắt đầu cho máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, đồng thời gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị họp lại. Mưu đồ của phía Hoa Kỳ là dùng quân sự đánh phá gây thiệt hại để ép ta trên bàn đàm phán. Nhưng thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tổn thất nặng nề khi ném bom bắn phá miền Bắc và bị dư luận quốc tế lên án, phản đối, ngày 29/12/1972, Hoa Kỳ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán.
Nhân dân Sài Gòn vui mừng đón đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. (Ảnh tư liệu) Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris ”về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đây là một thắng lợi lịch sử trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam cả trên chiến trường, trên bàn đàm phán và cả từ sức mạnh, sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Việc ký kết Hiệp định Paris là bước đầu tiên trong mục tiêu giải phóng, thống nhất đất nước và tạo tiền đề quan trọng để toàn dân Việt Nam tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Hồi ký của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình cho biết: “Bất cứ nước nào mời, tổ chức nào mời là chúng tôi tranh thủ đi, ở Pháp, Mỹ, châu Phi hay châu Mỹ, tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và các chính phủ…”. Trong quá trình diễn ra đàm phán, Việt Nam đã đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa. Cộng đồng người Việt đông đảo ở Paris đã luôn ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có rất nhiều sinh viên đi từ miền Nam sang Pháp du học, thậm chí được hưởng học bổng của chính quyền Sài Gòn, đóng góp của cộng đồng người Việt tại Pháp là vô cùng to lớn. Đông đảo người dân Mỹ tiến bộ cũng như đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới, đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành để ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Đảng và Nhà nước Việt Nam, bằng những chủ trương, chính sách của mình đã huy động và động viên được nhân dân cả nước không chỉ đóng góp sức người, sức của cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang, mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Ở miền Bắc, đó là những hoạt động phòng thủ dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng và rộng khắp chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Ở miền Nam, đó là sự che chở, nuôi giấu lực lượng du kích, những đội biệt động thành thị của mọi tầng lớp nhân dân.
Ở miền Bắc, thế trận phòng không nhân dân được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, có phương án hiệp đồng và bảo đảm chu đáo chuẩn bị kỹ lưỡng cả thế phòng tránh (tức trận địa phòng không nhân dân) và thế đánh trả (các trận địa); phân công các binh chủng hỏa lực hợp với sở trường và tính năng vũ khí; kết hợp vừa chiến đấu, vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm chi viện cho chiến trường… Ở miền Nam, thế trận “toàn dân đánh giặc”, “kết hợp hai chân, ba mũi, ba vùng”, nối thông giữa vùng tự do, căn cứ địa và vùng địch hậu. Có lẽ nghệ thuật quân sự Việt Nam nằm ở giải thích đầy tính thuyết phục và nhân văn của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khi giải thích về chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước một đối thủ mạnh hơn về trang bị: “Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Dĩ nhiên, còn nhiều yếu tố nữa dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhưng suy cho cùng, chính lòng yêu nước nồng nàn cũng khát khao độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta đã hun đúc nên sức mạnh thần kỳ để giành thắng lợi vẻ vang.