Thứ Bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024

Đại biểu Quốc hội tranh luận về tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm

Đại biểu Trần Khánh Thu - Thái Bình

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong nửa cuối buổi sáng, nhiều ĐBQH tranh luận sôi nổi về tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm…

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là có và đã có từ rất lâu rồi, và đến hiện tại tình trạng này dường như nặng và phức tạp hơn. Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh. Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân; cũng có câu chuyện trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế, nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm. ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, ở đây chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt xử lý trách nhiệm những người đứng đầu để giải quyết căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. ĐB cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Do đó, cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn. Có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá…

Nhiều ý kiến lo ngại không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay vì tình hình còn nhiều khó khăn. ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - TPHCM Đại biểu Trần Anh Tuấn - TPHCM

Một số ĐB cho rằng, cần hài hòa các mục tiêu, không nên vì chống lạm phát mà gây khó cho tăng trưởng. ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư, đẩy nhanh thời gian lập, thẩm định, phê duyệt các dự án để đưa nhanh nguồn lực vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, cần linh hoạt trong sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, hỗ trợ lao động bị mất việc làm… nhằm ổn định, kích cầu nền kinh tế. Cùng với đó, các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp.

Quốc hội sáng 31/5 Quốc hội sáng 31/5

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Vừa qua có nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại, cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của BHNT không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. Công ty bảo hiểm chuyên nghiệp đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình. Từ thực tế đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động BHNT, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng. Kiến nghị các công ty bảo hiểm rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo