Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị tính kỹ việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an

ĐB Hà Phước Thắng (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tán thành nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đa số ý kiến ủng hộ các nội dung sửa đổi, đồng thời, đề xuất những đổi mới có thể mạnh mẽ hơn.

ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, nhiều quy định tại dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam rất tiến bộ, đổi mới và cải cách thủ tục hành chính. Các quy định sửa đổi lần này như bổ sung quy định người dân có thể nộp giấy tờ để cấp hộ chiếu bằng điện tử; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn... giúp tiết kiệm chi phí về xuất nhập cảnh, phù hợp thực tiễn và tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thay đổi chính sách với visa tới giờ mới làm là muộn, thay đổi sớm thì tốt hơn.

Tại đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM góp ý, cần đánh giá lại việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Báo cáo thẩm tra nêu 45 ngày là ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, nhưng nếu muốn thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, công tác, làm ăn… thì tại sao không lấy mức cao hơn, 60, 90 ngày nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho việc hợp tác về du lịch, đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động xuất nhập cảnh.

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng hoàn toàn tán thành việc nâng thời hạn thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng; đẩy mạnh cấp thị thực điện tử; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, lưu trú 45 ngày. Điều này không chỉ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch mà quan trọng nữa là phải bảo đảm tương thích với xu thế quốc tế. ĐB cũng đề nghị mở rộng danh sách những nước được diện cấp e-visa.

Đáng chú ý, nhiều ĐB đề nghị thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 60 ngày thay vì 45 ngày như dự thảo.

Các ý kiến đề nghị các bộ ngành liên quan cần phối hợp đưa ra hướng dẫn để các chính sách này được thực thi ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

Cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của công an

Về dự thảo Luật CAND sửa đổi, nhiều ý kiến còn băn khoăn về đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, công nhân công an.

Ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành. Thời gian tăng tuổi theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình trên.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, nếu kéo dài thì có thể tận dụng, phát huy được chất xám, kinh nghiệm, nhưng đề nghị chỉ kéo dài ở vị trí chuyên môn, không nên ở vị trí quản lý. Thực tế, ngành Công an là ngành nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều người có thể không muốn làm việc kéo dài, do đó, đề nghị cân nhắc vấn đề này. Tương tự ở cả những ngành khác cũng vậy, nếu kéo dài tuổi làm việc thì chỉ nên ở vị trí chuyên môn.

Có ý kiến ĐB đề nghị vấn đề này cần đánh giá cụ thể, chi tiết, bởi đó là vấn đề mới, không nên đưa vào luật. Một số ý kiến dù tán thành nhưng cũng đề nghị cần xem xét kỹ vấn đề này để bảo đảm có sự đồng bộ, không chênh lệch về tuổi phục vụ của các ngành nghề khác. Nhiều ĐB cho rằng, việc nâng tuổi phục vụ của công an, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang.

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng cần nghiên cứu lộ trình tăng và tăng như thế nào cho phù hợp, bởi lực lượng công an làm việc rất vất vả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đơn cử, độ tuổi 60 mà làm cảnh sát cơ động hoặc chiến đấu trong phức tạp, đấu tranh với lực lượng buôn bán ma túy, tội phạm phức tạp khác sẽ rất khó. Do đó cần tính toán cụ thể việc tăng hạn tuổi phục vụ tùy thuộc vào từng đối tượng.

Đối với quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị, phải tập trung cho công an cấp tỉnh, vì họ rất vất vả, không nên để công an tỉnh bị thiệt thòi so với cấp trung ương…

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến của ĐB rất mới, cơ quan thẩm tra sẽ thảo luận với ban soạn thảo để tiếp thu…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo