Đặc biệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng, triển khai một số chương trình tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ còn đặc biệt trú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo dục về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, qua đó rèn luyện phẩm chất, đạo đức, xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược; phương pháp tiếp cận và năng lực vận dụng thực tiễn; trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; phương pháp luận khoa học, giúp cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tự tin, nhanh, nhạy bén trong nắm bắt các đặc điểm tình hình thực tiễn công tác tại địa phương, có cách ứng xử phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn khoa học, hiệu quả.
Đồng thời, quan tâm kiện toàn hoạt động các trung tâm chính trị theo hướng đáp ứng yêu về công tác cán bộ. Chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng chính trị nòng cốt ở cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về kiến thức, chuyên nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội… Kết quả từ năm 2018 - 2022, toàn TP đã tổ chức 26.865 lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ với 2.872.739 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia học tập bao gồm cả hình thức tổ chức đào tạo tại Học viện Cán bộ TP và tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn TP (cụ thể đã tổ chức đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho 3.237 học viên; đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 22.300 học viên).
Mặc dù vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của TP còn một số hạn chế như việc phân cấp về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng giữa các cơ quan, đơn vị có lúc chưa rõ ràng, còn chồng chéo; quy định về tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị đối với các chức danh cán bộ thực hiện chưa đảm bảo; chất lượng giảng dạy và học tập đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; công tác tổ chức cán bộ chỉ tập trung giải quyết những yêu cầu cấp bách trước mắt hàng năm; việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo lý luận dài hạn cho đội ngũ cán bộ dự nguồn còn chậm; việc đào tạo đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chưa thường xuyên.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong thời gian tới, TP cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thực hiện tốt hoạt động phân công, phân cấp về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong công tác xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Công tác giáo dục lý luận chính trị phải luôn đứng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập gắn liền với cho nghĩa xã hội, bám sát những quan điểm, đường lối, giữ vững niềm tin, sức mạnh vào sự nghiệp cách mạng của Đảng để từ đó cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, học tập lý luận gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng.
Đoàn cán bộ tuyên giáo TP chụp ảnh lưu niệm tại Chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2023)Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng; cập nhật kiến thức mới, trang bị kỹ năng, phương pháp công tác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao; gắn kết đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ phải được chú trọng hơn nữa để công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, gương mẫu, uy tín, năng lực, phẩm chất xứng tầm với nhiệm vụ.
Nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cần phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật những kiến thức mới kịp thời, thiết thực với yêu cầu hoạt động thực tiễn xã hội và công tác xây dựng, phát triển Đảng tại Đảng bộ thành phố, đảm bảo cung cấp cho người học những tri thức khoa học, kỹ năng xử lý tình huống chính trị thực tiễn. Nội dung học tập phải toàn diện từ bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng, sát với việc nhận thức và giải quyết vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong xã hội, để cán bộ, đảng viên dễ dàng nắm bắt, vận dụng linh hoạt để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành với các đơn vị chủ trì đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn cán bộ, đảng viên tham gia các chương trình, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm, tránh tình trạng trùng lắp về đối tượng đào tạo; phối hợp chặt chẽ công tác quản lý học viên từ khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đến kết thúc khóa học, để làm cơ sở đánh giá chất lượng, kết quả học tập của học viên sau đào tạo. Kịp thời biểu dương những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở, bao gồm: Học viện Cán bộ TP, Trung tâm chính trị, ban tuyên giáo các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, trình độ cao cả về lý luận và kiến thức thực tiễn phong phú, nói được, viết được, thuyết phục được.
Định hướng người học nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có việc tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác tổ chức cán bộ, thường xuyên đánh giá hiệu quả sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; biểu dương, nhân rộng những mô hình điển hình thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn TP.