Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Phân cấp, ủy quyền cho Thủ đô
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 1 phó chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).
Căn cứ quy định tại Luật, HĐND thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm hàng chục nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND, bên cạnh bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên trách, Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở Thủ đô.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.
Gỡ các "nút thắt" trong phát triển hạ tầng giao thông
Không chỉ đề cập đến công tác cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố.
Luật cũng mở ra “kỷ nguyên mới” trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, những quy định mới nêu trên hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, sẽ góp phần tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện…