ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) (Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, sáng 7/9, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật thực hiện dân chủ cơ sở…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình tại hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều; tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi, đó là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra các bộ, ngành phù hợp với ngành, lĩnh vực, phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.
Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật cần tiếp tục xin ý ĐBQH hoạt động chuyên trách. Cụ thể, về thanh tra huyện, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức thanh tra huyện hoặc không thành lập thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.
Các đại biểu dự hội nghị Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Một số ý kiến đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này; cũng không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới.
Về Thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.
Thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các ĐBQH đều cho rằng, Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng là thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này. Cụ thể, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng nêu, quy định kiểm tra, giám sát ở doanh nghiệp ngoài nhà nước là vấn đề mới, chưa có thực tiễn thi hành kiểm chứng. Do vậy nếu cầu toàn đưa tất cả các nội dung của doanh nghiệp nhà nước áp dụng với doanh nghiệp ngoài nhà nước là không phù hợp và không khả thi. Cần phân định các quy định theo nhóm chủ thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó thiết kế các quy định ở mức độ phù hợp với từng đối tượng, có được thực tiễn triển khai sau một thời gian có thể tiến hành tổng kết đánh giá từ đó sửa đổi, bổ sung về sau…