Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, một trong 4 trụ cột của Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã đi vào vận hành (Thanhuytphcm.vn) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP và sự vào cuộc của các sở, ngành, quận, huyện liên quan đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ để việc triển khai đề án đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Cung cấp một số tiện ích cho người dân, doanh nghiệp
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lê Quốc Cường cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án ĐTTM, tính đến 30/4/2020, Ban Điều hành đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của 3 trụ cột Đề án. Đó là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành ĐTTM; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.
Đồng thời, việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường với một số kết quả bước đầu đã cung cấp một số tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (DN). Cụ thể, việc TP ban hành kiến trúc chính quyền điện tử là một điểm nổi bật trong việc tham mưu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại TP. Kiến trúc chính quyền điện tử TP đóng vai trò là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của TP, hướng đến xây dựng chính quyền số, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP về phát triển thành một ĐTTM, hỗ trợ hiệu quả các chương trình đột phá của TP, đặc biệt là chương trình cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Đối với lĩnh vực giao thông, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1 bao gồm: Hệ thống camera giám sát giao thông với 775 camera. Hệ thống giám sát và điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt. Cổng thông tin giao thông kết hợp với 70 bảng thông tin giao thông điện tử thường xuyên cập nhật, cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực; đồng thời tiếp nhận và xử lý các phản ảnh của người dân về các sự cố hạ tầng giao thông…
Đối với lĩnh vực y tế, TP triển khai cổng thông tin của ngành y tế TP cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, CCHC; cổng thông tin tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh TP cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức, hướng đến xây dựng “Bệnh viện không giấy”; thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của trên 6.000 cơ sở cung ứng thuốc tại TP với cơ sở dữ liệu dược quốc gia…
Đối với lĩnh vực giáo dục, TP triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể về CNTT của ngành giáo dục và đào tạo, làm cơ sở để ngành giáo dục và đào tạo TP xây dựng và triển khai mô hình chính quyền điện tử, ĐTTM. Đồng thời, triển khai cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và đào tạo TP, với gần 2.000 website thành viên là các website của các đơn vị giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo TP cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành, do Sở quản lý, khai thác. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo TP đã triển khai hàng loạt các hình thức dạy học tiên tiến, hiện đại như dạy học theo dự án, học sinh nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy học định hướng STEM, đẩy mạnh hình thức dạy học trực tuyến… nhằm từng bước xây dựng mô hình lớp học điện tử, trường học điện tử theo mô hình giáo dục thông minh.
Chậm phê duyệt dự án đầu tư
Bên cạnh một số kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ĐTTM trên địa bàn TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lê Quốc Cường cho rằng: Việc triển khai xây dựng ĐTTM đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại. Đồng thời, trong quá trình triển khai cần phải dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai. Ngoài ra, các giải pháp khoa học công nghệ và CNTT có sự phát triển, thay đổi liên tục. Trong khi đó, quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước thì phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1 Đồng quan điểm, Chánh Văn phòng HĐND - UBND Quận 1 Lâm Ngô Hoàng Anh phân tích: Việc xây dựng ĐTTM tại Quận 1 là việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới trong thời đại công nghệ 4.0 vào công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ phát triển của CNTT nói riêng và khoa học công nghệ nói chung trên thế giới rất nhanh, nhưng việc đầu tư phê duyệt dự án kéo dài là cản trở rất lớn. Cho nên, mong muốn các cấp xem xét sớm phê duyệt đề án, chủ trương, cấp kinh phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Còn theo đại diện UBND Quận 12, trong thời gian vừa qua, qua quá trình thực hiện Đề án ĐTTM trên địa bàn quận gặp một số khó khăn nhất định. Đó là liên quan về cơ chế, chính sách; khó khăn trong công tác nhân sự đáp ứng yêu cầu; hạ tầng CNTT, nhất là máy tính do trang bị nhiều đợt cấu hình không đồng bộ nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 không cao, bởi vì người dân vẫn còn đến nộp hồ sơ trực tiếp. Vì vậy, UBND Quận 12 kiến nghị UBND TP có chính sách cho phép UBND quận chủ động triển khai nâng cấp, bổ sung Cổng dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3, 4). UBND TP có cơ chế phù hợp thu hút nhân tài phục vụ việc xây dựng Đề án ĐTTM. Đề xuất nguồn kinh phí để nâng cấp hạ tầng thiết bị.