Bản đồ thể hiện đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: TTXVN)(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Từ xưa, dân gian Việt Nam đã có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “Rẽ nước biển Đông để tìm sinh lộ”…. Cách đây gần 2.000 năm, nữ tướng Triệu Thị Trinh cũng khẳng định: “Tôi muốn cưỡi gió mạnh/ Đạp bằng sóng dữ/ Chém cá kình ở biển Đông” như sự tiếp nối truyền thống hướng biển của cha ông. Điều đó cho thấy dân tộc ta có sự gắn bó, gần gũi với biển Đông.
Lịch sử nước ta từng có những trận hải chiến lẫy lừng. Trận Vân Đồn (năm 1288), nơi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên là một trong những trận đánh trên biển mẫu mực. Ngô Thì Sĩ chép: “Tướng nhà Nguyên là Trương Văn Hổ chở thuyền lương tới, Khánh Dư đón đánh, quân giặc đại bại. Đến biển Lục Thủy lại đánh bại quân giặc. Thuyền lương đều bị chìm xuống biển...”.
Việc chiến đấu với các hải đội tàu nước ngoài để bảo vệ chủ quyền biển đảo, quốc gia cũng được ghi chép lại thời các chúa Nguyễn. Năm 1585, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên khi ấy còn là một hoàng tử, đã đánh tan một đội tàu chiến 6 chiếc của Nhật Bản đến cướp bóc vùng ven biển Cửa Việt. Đại Nam thực lục tiền biên có ghi rõ lực lượng thủy binh nước ta thời Chúa Nguyễn Phúc Tần có tới 22.740 quân. Còn theo Thomas Bowyear, một nhà buôn người Anh đến Đàng Trong trong các năm 1695 - 1696, lực lượng thủy quân ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có đến 200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo; 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo... Nhờ vào lực lượng thủy quân hùng mạnh này mà quân đội của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An, ở gần Huế) vào năm 1644, đuổi chúng rút chạy ra biển Đông.
Hải quân chúa Nguyễn còn từng đánh thắng tàu chiến Anh sang gây hấn, quét sạch các giặc biển đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... Đặc biệt là những tên giặc biển Tàu Ô đến từ Trung Quốc lại là một hoạt động phi pháp trên biển Đông. Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điều quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh tan tác lũ giặc Tàu Ô”.
Việc làm chủ biển Đông không những được Nhà nước mà còn được nhân dân coi trọng. Chẳng hạn, vào ngày 15 tháng giêng năm 1776, dưới thời Tây Sơn, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) là Hà Liễu đã làm đơn trình bày rõ xin lập lại hai đội Trường Sa và Quế Hương để “ứng chiến” với kẻ xâm phạm: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, Cù Lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cũng thuế quan đem phụng nạp”.
J.Barrow trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793 đã ghi lại một bảng thống kê thú vị về quân đội của Nguyễn Ánh: Tổng quân số 139.800 người, riêng hải quân có 26.800 người. Barrow còn ghi thêm về việc “hiện đại hóa” hải quân của Nguyễn Ánh: “Ông đã cho đóng ít nhất 300 pháo thuyền lớn hoặc loại thuyền dùng chèo, 5 thuyền có cột buồm và một chiến hạm đúng theo kiểu tàu châu Âu. Ông cho đưa vào quân đội một hệ thống các chiến thuật hàng hải, và cho những sĩ quan hải quân học cách sử dụng các tín hiệu”. Với lực lượng hải quân như thế, việc quản lý và thực thi chủ quyền trên biển Đông của triều Nguyễn đã phát huy tác dụng lớn. Hệ thống phòng thủ bờ biển dưới thời Nguyễn đã được thiết lập dọc theo chiều dài đất nước, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên biển, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa đều được tiếp quản, thiết lập chủ quyền và canh phòng cẩn mật.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, việc tiếp tế và chi viện thường xuyên cho cách mạng miền Nam là hết sức cần thiết. Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để cung cấp cho phong trào cách mạng ở miền Nam đang phát triển. Từ giữa năm 1961 đến 1962 đã có 5 thuyền của địa bàn Nam bộ (tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa) đã ra tới miền Bắc (trong đó có 18 đảng viên) đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương gặp mặt, ân cần thăm hỏi, động viên. Những chuyến thuyền từ Nam bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.
Đêm 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí đã xuất phát từ bến K15, Đồ Sơn (Hải Phòng) đi Cà Mau. Chuyến tàu cập bến thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã vô cùng anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược - một con đường có một không hai trên thế giới. Trước đó, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Ngày 23/10 trở thành Ngày Truyền thống của đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, đồng thời là ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đồ họa tóm tắt thông tin về đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: TTXVN)Chỉ trong năm đầu tiên, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường. Đến ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Trong 14 năm, 1961 - 1975, gần 2.000 lượt chiếc tàu không số, vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển hơn 15 vạn tấn vũ khí trang bị và 8 vạn lượt người, góp phần chi viện đắc lực cho chiến trường, cùng toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Đặc biệt, ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân phải “nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm thuộc quần đảo Trường Sa”. Sau đó, với tình hình chiến sự miền Nam phát triển rất nhanh, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng giải phóng Trường Sa. Chính vì quyết định nhanh chóng và đúng đắn này, từ ngày 14 đến 29/4/1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Tiếp đó Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.
Thế kỷ XXI được coi là “thế kỷ của đại dương”. Việt Nam do đó phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Biến mục tiêu đó thành hiện thực là cách tốt nhất để kế thừa, gìn giữ, phát huy và bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của cha ông cho các thế hệ mai sau.