Các đại biểu chủ trì hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/7, Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố – Thực trạng và giải pháp”. Tham dự có Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm và trên 300 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý đến từ các học viện, trường đại học, doanh nghiệp và các trường nghề trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TPHCM nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận và phân tích thực trạng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó, đề xuất những chính sách, giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thuân, Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG TPHCM lưu ý, chuyển đổi số trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người lãnh đạo của đơn vị đó phải có tầm nhìn, đi trước, chứ không phải khoán trắng cho cấp dưới, cơ sở… Đồng thời, chuyển đổi số là thiên về áp dụng công nghệ vào các hoạt động, lĩnh vực mình phụ trách mà quên mất rằng, công nghệ có phát triển đến đâu thì yếu tố con người vẫn sẽ là quyết định cuối cùng cho việc chuyển đổi số thành công hay thất bại. Vì vậy, đối với lĩnh vực GDNN, cán bộ quản lý, thầy cô giáo vẫn là quan trọng nhất; các hình thức dạy và học khác chỉ là bổ sung, không thay thế được giáo viên.
Theo đại biểu, cơ sở GDNN phải có lộ trình cụ thể về chuyển đổi số cho từng ngành, từng nghề; tiếp đó, sử dụng phần mềm nào để quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý học sinh, sinh viên… quan trọng nhất là chú trọng đến dữ liệu dùng chung (dữ liệu phục vụ cho giảng dạy và dữ liệu phục vụ cho quản lý nhà nước về nghề). Tiếp đó phải có cơ chế phù hợp giữa trường nghề với doanh nghiệp để giúp trường nghề trong việc đưa sinh viên đến thực hành, thực tập cũng như có việc làm ngay sau khi các em tốt nghiệp…