Thứ Ba, ngày 1 tháng 10 năm 2024

Chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam bộ và TP Cần Thơ “Khai thác dữ liệu - kiến tạo giá trị”

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và đại biểu chứng kiến Sở GD-ĐT các địa phương Đông Nam bộ ký kết thúc đẩy chuyển đổi số

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/11, UBND TPHCM phối hợp với Ban chỉ đạo số chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam bộ và TP Cần Thơ với chủ đề “Khai thác dữ liệu - kiến tạo giá trị”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Hạ tầng số của ngành giáo dục đã có những bước phát triển một cách rõ nét

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới phương pháp dạy học, quản lý cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, chuyển đổi số thành công là một việc không dễ bởi chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ. Trong thời đại hiện nay, nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đổi số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Chính vì vậy, chủ đề hội thảo hôm nay có một ý nghĩa rất quan trọng.

Vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của mình và tiếp tục nâng cao những đóng góp cho kinh tế quốc gia, vùng Đông Nam bộ rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực mới.

Chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực mà thời gian qua TPHCM cùng với các tỉnh thành bạn đang tập trung phát triển. Hiện hạ tầng số của ngành giáo dục đã có những bước phát triển một cách rõ nét. “Để có thể chuyển đổi số thành công là một việc không dễ bởi chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ. Công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, con người và ý thức là quan trọng nhất. Do đó, để thực hiện tốt và hiệu quả công tác chuyển đổi số trong giáo dục, phải nhìn rõ bản chất của vấn đề để xác định đâu là mấu chốt, đâu là vướng mắc, từ đó tập trung xây dựng công cụ, cơ chế” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo

Chuyển đổi số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để chuyển đổi số thành công cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục. Trong những năm qua, ngành GD-ĐT các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng như Thành phố Cần Thơ đã cơ bản hình thành được một hệ sinh thái chuyển đổi số. Hệ sinh thái này bao gồm đầy đủ các thành tố: nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành với trục liên thông dữ liệu; các bộ giải pháp chuyển đổi số; các giải pháp khai thác dữ liệu toàn ngành phục vụ cải cách hành chính; các chính sách về đội ngũ. Riêng TPHCM, công tác xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu của ngành giáo dục được chú trọng và đã hoàn thiện được trục cơ sở dữ liệu ngành tạo tính liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu ngành. Việc khai thác dữ liệu số đã được ứng dụng thực hiện các hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như chất lượng các hoạt động giáo dục; giảm cường độ lao động cho đội ngũ giáo viên. Cùng với xây dựng, khai thác dữ liệu số, việc phát triển học liệu số hướng tới khai thác, chia sẻ dùng chung sẽ giúp giáo viên không chỉ nội bộ một địa phương mà còn chia sẻ với các tỉnh, thành trong vùng.

Tham luận của các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo đã tập trung vào những nội dung chính như: Khởi tạo, quản trị, chuẩn hóa dữ liệu; phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số... Các tham luận đã nhấn mạnh, chuyển đổi số ngành GD-ĐT là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn tài chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu.

Tại hội thảo, Sở GD-ĐT các địa phương: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh ký kết hợp tác triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm mục tiêu xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh và phát triển xã hội số trong lĩnh vực GD-ĐT.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo