Thứ Năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024

Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay

Các đại biểu tham dự tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức tọa đàm chuyên đề “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay”. Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10. Chương trình là một trong những hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên dự và chủ trì tọa đàm.

Chuyển đổi số hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của độc giả

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TPHCM cho hay, theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB) trực thuộc các cơ quan chủ quản.

Tính đến nay, đã có hơn 20 NXB, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó có nhiều NXB, đơn vị phát hành tại TPHCM. Sự phát triển nhanh về số lượng được cấp phép phát hành sách điện tử cho thấy chuyển đổi số đang là mũi nhọn được quan tâm. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xuất bản đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất bản phẩm điện tử với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả không nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, cơ hội thì luôn đi cùng thách thức. Những thách thức cũng đang là mối quan ngại không nhỏ đối với ngành xuất bản và xã hội nói chung. Đó là tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng…

Tại tọa đàm, các đơn vị phát hành, NXB đã khẳng định vai trò cần thiết và cơ hội của chuyển đổi số và phân tích thêm những thách thức đối với ngành xuất bản-in-phát hành trong cơ hội hiện này. Mục tiêu của mọi nỗ lực chuyển đổi số đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của độc giả. Bằng cách tạo ra những sản phẩm chất lượng, trải nghiệm đọc thú vị, các NXB sẽ thu hút được đông đảo độc giả và góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM Ông Thị Ngọc Linh, chuyển đổi số giúp ngành xuất bản mở rộng thị trường, cơ hội tăng cường tương tác với độc giả, tác giả, dịch giả, cá nhân hóa trải nghiệm đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản là việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Để giải quyết những thách thức này, các NXB cần đầu tư vào các hệ thống quản lý thông tin chuyên dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, đào tạo nhân lực và đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác công nghệ cũng là một giải pháp hiệu quả để tận dụng những tiến bộ của công nghệ.

Các tập thể nhận giấy khen của Sở Thông tin và Truyền thông vì đã có đóng góp trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của TPHCM Các tập thể nhận giấy khen của Sở Thông tin và Truyền thông vì đã có đóng góp trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của TPHCM

“Do đó, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản, sự hợp tác giữa các NXB với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, các đơn vị giáo dục là vô cùng cần thiết. Việc xây dựng một hệ sinh thái đọc số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau. Thông qua hợp tác, có thể cùng nhau phát triển các nền tảng đọc sách điện tử hiện đại, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đồng thời tạo ra một cộng đồng đọc số sôi động và bền vững” – bà Ông Thị Ngọc Linh nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về bảo vệ quyền sách trên không gian mạng, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam đề xuất, kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế; đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số;…

Chuyển đổi công nghệ số phải theo sát xu hướng phát triển của ngành xuất bản sách

Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của thương mại điện tử, đại diện FAHASA cho biết, đơn vị đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và phát triển hệ thống thương mại điện tử Fahasa.com từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hệ thống này hiện cung cấp hơn 300.000 sản phẩm với hơn 7.000 phân loại sách, đảm bảo cho gần 20.000 người truy cập cùng lúc mà vẫn giữ được trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, dễ dàng. Nhờ vào nền tảng này, FAHASA đã và đang nhận được sự tin tưởng, yêu mến từ đông đảo khách hàng, đồng thời tạo ra sự thuận tiện lớn trong quá trình tìm kiếm và mua sắm.

Không chỉ dừng lại ở việc bán sách truyền thống, FAHASA cũng đang theo dõi và nghiên cứu sâu về xu hướng đọc sách điện tử và sách nói, những loại hình đọc mới đang ngày càng phổ biến. Độc giả hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, có xu hướng chuyển từ việc đọc sách giấy sang sử dụng Ebook hay nghe sách nói. Xu hướng này đã và đang tác động mạnh mẽ đến thị trường phát hành sách truyền thống.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm

Tuy nhiên, nhiều NXB và đơn vị phát hành sách giấy đối diện với thách thức khi phải cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng sách điện tử và sách nói. Tuy nhiên, FAHASA luôn coi đây là một cơ hội để phát triển và mở rộng dịch vụ của mình. Nhận thấy rõ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, FAHASA đang chủ động nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện tại, FAHASA đang tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ phù hợp để trong tương lai, khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng với các định dạng sách hiện đại như Ebook và Audio Book. Việc đưa các định dạng số này vào hệ thống sẽ giúp FAHASA không chỉ mở rộng đối tượng khách hàng mà còn đáp ứng tốt hơn xu hướng đọc sách số hóa đang ngày càng phát triển.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên cho biết, đến nay cả nước có 31 NXB xuất bản điện tử, chiếm 54% số NXB, 27 cơ sở phát hành phát hành điện tử, mỗi năm xuất bản được 4.000-4.500 đầu sách, chiếm trên 12,5% tổng số sách/năm. Sách dạng đọc, sách nói và sách multimedia, trong đó doanh thu toàn thị trường sách nói ước đạt khoảng 120-130 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu toàn ngành. Ngoài phiên bản sách, một số doanh nghiệp phát triển các sản phẩm tóm tắt sách trên các nền tảng.

Một số khó khăn thách thức trong quá trình chuyển đổi số được Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên nêu tại tọa đàm như: thách thức từ nhận thức khi thay đổi thói quen từ lãnh đạo, nhân viên, thách thức từ xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh mới; nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực… Do vậy, cần có sự chuyển đổi nhận thức và văn hóa doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp bao gồm từ lãnh đạo đến mỗi thành viên phải thống nhất trên một mục tiêu; cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số của đơn vị mình với tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có bước đi có tính cách mạng trong xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

“Tái cơ cấu đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh doanh là một trong những nguyên nhân đưa đến thành công trong đổi mới hoạt động sản xuất thích ứng các điều kiện rủi ro nói chung và việc chuyển đổi số nói riêng. Chuyển đổi công nghệ số phải theo sát xu hướng phát triển của ngành xuất bản sách”- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên nêu.

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo