Bên cạnh việc xây dựng các công trình chống ngập, TPHCM cần sử dụng các kết quả nghiên cứu, dự báo của công tác KTTV để có giải pháp chống ngập hiệu quả. Trong ảnh là cống ngăn triều Cây Khô (huyện Bình Chánh), vào thời điểm tháng 5/2020. (Ảnh: Nld.com.vn)(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Khí tượng thủy văn (KTTV) là ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia và của thế giới, nhằm ứng phó với các vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu, như biến đổi khí hậu, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất…, nhất là với những quốc gia có sự tác động mạnh bởi các yếu tố tự nhiên như Việt Nam.
Ngành KTTV là khoa học gồm hai bộ môn là khí tượng và thủy văn. Khí tượng (hay khí tượng học, là “khoa học về các hiện tượng khí quyển”) là khoa học nghiên cứu các quá trình và các hiện tượng của khí quyển, như vật lý, hóa học, động lực học của khí quyển và những hiệu ứng trực tiếp của khí quyển lên bề mặt trái đất, đại dương và cuộc sống nói chung thông qua các yếu tố và hiện tượng khí tượng. Các yếu tố khí tượng chủ yếu bao gồm nhiệt độ, khí áp, độ ẩm, gió, mây, mưa…, vốn luôn biến động trong mối tác động lẫn nhau theo những quy luật tự nhiên. Thủy văn (hay thủy văn học, là “khoa học về nước”) là khoa học nghiên cứu về tính chất, sự chuyển động và phân bố của nước (thể lỏng và thể rắn) trong toàn bộ Trái đất, trong mối quan hệ qua lại về vật lý và hóa học của nước với phần còn lại của Trái đất và quan hệ của nó với sự sống của Trái đất.
Cha ông ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu KTTV để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, trị thủy và cả trong đánh giặc giữ nước. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… có không ít câu về thời tiết, khí hậu.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn (do người Pháp lập năm 1902) về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính với tên gọi Sở Khí tượng. Ngày 17/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 3/10 hằng năm là Ngày Truyền thống ngành KTTV Việt Nam. Trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, ngành KTTV và công tác KTTV đã đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ đời sống của nhân dân. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác KTTV được nâng cao. Quản lý nhà nước về KTTV được tăng cường; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV của Việt Nam dần tiệm cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới…
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành KTTV Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành, trong đó nhấn mạnh: “Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, sự gia tăng, tính phức tạp của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan. Trong bối cảnh nước ta có địa lý trải dài từ Bắc xuống Nam, điều kiện khí hậu khác nhau, chịu nhiều tác động từ thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, Ngành cần tiếp tục phát huy truyền thống, tri thức và kinh nghiệm ngàn năm chinh phục thiên nhiên của dân tộc, kết hợp tận dụng những thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu vươn lên, cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy, phục vụ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước”.
Hình ảnh minh họa các hiện tượng mà ngành KTTV nghiên cứu.Tiếp tục đề cao vai trò của ngành KTTV và công tác KTTV, ngày 28/9/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó khẳng định: “Công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Trên cơ sở đó, Chỉ thị đã nêu 6 nhóm giải pháp nhằm “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTTV…; phấn đấu đến năm 2030 ngành KTTV nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á”: một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV; hai là, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến…; thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV, bảo đảm điều chỉnh toàn diện các đối tượng, phạm vi, loại hình hoạt động có liên quan; thứ tư, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác KTTV, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thứ sáu, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV.
Cũng như với cả nước, ở TPHCM, công tác KTTV tác động đến trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…, thể hiện qua mấy điểm chính: phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất (không chỉ ở huyện ven biển Cần Giờ mà còn ở nhiều khu vực khác); có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển cùng nhiều hoạt động khác; góp phần vào việc dự báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường cùng các tác động tiêu cực của nó, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ngập nước, xâm nhập mặn…; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu mà thành phố là một trong những địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề; góp phần vào phát triển công tác KTTV của đất nước và qua đó phối hợp với các nước để xử lý những vấn đề chung của khu vực và thế giới, như thiên tai, biến đổi khí hậu…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã nêu nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả dự án giảm ngập do triều sau khi hoàn thành”. Với yêu cầu này, TPHCM càng cần phối hợp tốt hơn nữa với ngành KTTV, nhất là các cơ quan đóng trên địa bàn thành phố, để góp phần nâng cao chất lượng công tác KTTV, qua đó có thể góp sức đắc lực cho sự phát triển và phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới.