Đội ngũ y bác sĩ TPHCM tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. (Ảnh minh họa: nld.com.vn)(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Cách đây 55 năm, ngày 17/7/1966, Bác Hồ viết Lời kêu gọi chống Mỹ, nhằm động viên đồng bào cả nước tham gia kháng chiến, cứu nước. Tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm còn in trong ký ức, về những ngày kháng chiến chống Mỹ diễn ra hết sức ác liệt: Mỹ đem hàng tấn bom đạn bắn phá miền Bắc, còn chiến trường miền Nam cần rất nhiều sự hỗ trợ, chi viện. Thực hiện Lời kêu gọi của Bác Hồ, hàng triệu thanh niên miền Bắc chúng tôi thời bấy giờ hăng hái đăng ký xung phong lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Từng đoàn xe chở quân nô nức nối đuôi nhau không ngừng nghỉ và cứ hướng về miền Nam mà thẳng tiến. Khi xe đến Quảng Bình, anh em bộ đội chúng tôi xuống xe và tiếp tục đi bộ vượt đỉnh Trường Sơn để tiếp tục cuộc hành quân với mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Các cuộc hành quân vì miền Nam thân yêu và tinh thần xung kích, sẵn sàng ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin chiến thắng cho chiến trường miền Nam. Từ đó góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4 lịch sử, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.
Trong những ngày qua, tôi và những đồng đội của mình rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh hàng ngàn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y các tỉnh thành phía Bắc tình nguyện đăng ký vào miền Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị và nhân dân trên mọi miền đất nước đều hướng về miền Nam ruột thịt, trong đó có TPHCM, với những phần quà hỗ trợ lớn nhỏ khác nhau nhưng thấm đậm nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Mọi người dân đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay chống lại dịch Covid-19, với những thông điệp như “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, “Mệnh lệnh từ trong trái tim”, “Hành động từ nghĩa đồng bào”…
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cuộc chiến chống Covid-19 tuy không có bom rơi, đạn nổ nhưng cũng để lại sự đau thương, mất mát khi có nhiều người không thể vượt qua dịch bệnh; đời sống của đông đảo người dân trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng dịch bệnh; sức lực, mồ hôi, nước mắt đã rơi trên từng khuôn mặt của các lực lượng phòng chống dịch... Cuộc chiến này còn dài và đầy cam go, thử thách vì “kẻ thù” vẫn còn ẩn náu ở đâu đó chưa thể phát hiện hết. Thậm chí, một số người dân còn chủ quan, lơ là, chưa nêu cao ý thức chủ động, tự giác phòng chống dịch.
Có thể nói, những lực lượng tuyến đầu chống dịch, những tình nguyện viên đăng ký đi hỗ trợ tại các điểm cách ly, bệnh viện dã chiến là những anh hùng, là chiến sĩ thực thụ. Họ bước vào cuộc chiến đấu với Covid-19 bằng nghị lực phi thường và trái tim quả cảm. Sẵn sàng gác lại mọi việc riêng tư, để toàn tâm toàn ý phục vụ cộng đồng, xem sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, quyết tâm thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim” của dân tộc Việt Nam.
Các tình nguyện viên là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... tham gia phân phối rau củ quả phục vụ bà con ở các khu phong tỏa tạm thời trên địa bàn Quận 8Những người thuộc lực lượng tuyến đầu là những ai? Đó là những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, ban chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ phường xã, khu phố, tổ dân phố, thôn ấp, bản làng, cán bộ đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội… Tất cả họ đang ngày đêm xông pha trên các mặt trận phòng chống dịch Covid-19. Thật cảm động biết bao với những tấm gương quên mình, chỉ vì một lời thề “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”!
Trong những ngày này, tôi thật sự xúc động khi nhận thấy trong các chủ trương, định hướng, chính sách và những hành động cụ thể của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần “Không có gì quý hơn sức khỏe của nhân dân”. Tinh thần ấy gợi nhớ đến Lời kêu gọi của Bác Hồ 55 năm trước đã hiệu triệu cả đồng bào đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 này không của riêng ai, nên mọi người chúng ta cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Đồng lòng, quyết tâm cùng cả nước chung tay làm thật tốt công tác chống dịch. Đó còn là đạo đức, là vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với đất nước. Hy vọng các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ không ngừng tập trung nhân lực, sức lực, vật lực để thực hiện nhiệm vụ, chăm lo tốt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm ở các cấp và ý thức, sự đồng lòng của người dân sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất!