Các đại biểu tham dự hội nghị (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 10/10, Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10 tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học” tại Quận 10. Đồng chí Võ Văn Long, Ủy viên Ban Thường Quận ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10 chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với một địa bàn trung tâm của TP như Quận 10. Để thực hiện tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Giám sát liên ngành hàng năm đến 100% cơ sở giáo dục
Báo cáo đề dẫn hội nghị, Trưởng Phòng Giáo dục Quận 10 Nguyễn Thành Trung cho biết, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với một địa bàn trung tâm của TP như Quận 10. Vì vậy, lãnh đạo và các ban ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận cũng luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các trường học. Đội ngũ trực tiếp quản lý, giám sát, tham mưu tại các trường về công tác này là cán bộ phụ trách y tế trường học. Hiện nay, Quận 10 có 56/70 trường có nhân viên y tế chuyên trách đạt chuẩn theo quy định, còn lại là kiêm nhiệm. Ngoài ra, các trường đều có ký hợp đồng và được sự hỗ trợ tích cực của trung tâm y tế địa phương.
Công tác vệ sinh môi trường được lãnh đạo quận quan tâm, chỉ đạo và trong những năm gần đây đã có sự cải thiện rõ rệt, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, phục vụ tốt nhu cầu của học sinh. 100% các trường sử dụng nước máy cho bếp ăn và căn tin. Tất cả đều được kiểm tra và đảm bảo quy định về vệ sinh, an toàn. Các trường thực hiện tốt việc vệ sinh, đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng khu vực ngủ bán trú, đồ dùng cá nhân (đối với mầm non). Các văn bản chỉ đạo liên quan đều được triển khai kịp thời, hệ thống hóa đầy đủ cho các trường, tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, hướng dẫn lập sổ kiểm thực phẩm 3 bước và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành hàng năm đến 100% cơ sở giáo dục. Qua công tác kiểm tra cho thấy, đa số các nhà trường đã bảo đảm tốt những điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP, các Công ty và hộ kinh doanh đều có giấy phép đầy đủ, 100% nhân viên đã được tập huấn và khám sức khỏe theo Thông tư 14/2013/TT-BYT, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế trong công tác này. Trong đó, có lãnh đạo cơ sở giáo dục còn lệ thuộc nhiều vào đơn vị đối tác, công tác giám sát nặng tính hình thức, đối phó. Có một số mặt hàng không có xuất xứ rõ ràng hoặc không thuộc đối tượng khuyến khích còn bày bán ở căn tin nhà trường. Có cơ sở giáo dục chưa quan tâm phục vụ nhu cầu học sinh, chưa đầu tư nâng chất lượng căn tin, bếp ăn. Vẫn còn một số nơi hàng rong bủa vây cổng trường giờ tan học…
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Hiệu trưởng Trường Mầm non 15A Trần Thị Bích Liên cho rằng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với trường mầm non bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay trong xã hội và là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá xếp loại trường mầm non. Chia sẻ về những cách làm của nhà trường, đồng chí Trần Thị Bích Liên cho biết, trường đã thực hiện ký kết hợp đồng thực phẩm với các đơn vị cung ứng thực phẩm có tư cách pháp nhân, bảo đảm đầy đủ các chứng nhận theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để thực hiện cung cấp thực phẩm cho trường học. Cùng với đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ giáo viên, nhân viên về các nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thục phẩm; chú trọng kiến thức về thực hành dinh dưỡng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong chế biến và vệ sinh ăn uống cho trẻ
Nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong nhà trường, đồng chí Trần Thị Bích Liên chia sẻ, trường thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra số lượng, chất lượng thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm hằng ngày. Công tác tổ chức giờ ăn bảo đảm đúng thực đơn, tính khẩu phần ăn có sự đa dạng các thực phẩm theo mùa, cân đối các chất dinh dưỡng bảo đảm cho nhu cầu phát triển của trẻ.
Bà Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Riêng trao đổi về công tác phối hợp với cha mẹ học sinh trong giám sát quá trình tiếp phẩm, chế biến, giá thành và chất lượng bữa ăn. Theo đó, nhằm giúp phụ huynh yên tâm và tin tưởng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tham gia vào quá trình tiếp phẩm, chế biến, giá thành, đánh giá chất lượng bữa ăn. Trong đó, nhà trường đã kết hợp với phụ huynh trong việc giám sát về các nguồn thực phẩm. Quá trình kiểm tra bếp ăn bán trú luôn đảm bảo đủ quy trình các thành viên tham gia kiểm tra giám sát gồm: Ban giám hiệu, tổ trưởng bán trú, nhân viên bếp, nhân viên giao nhận thực phẩm và đại diện phụ huynh nhà trường để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực hiện… Thực đơn được xây dựng theo tháng và công khai thực đơn với các hình thức như hàng tuần gửi thực đơn trong tuần cho phụ huynh và đăng trên trang web của trường, dán bản tin. Trên cơ sở thực đơn theo tuần bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát cả khâu sơ chế, chế biến, chia thực phẩm và lưu nghiệm thức ăn để đánh giá khách quan.
Tổ chức bữa ăn cho học sinh tại Trường Tiểu học Lê Thị Riêng Đại diện Trường Tiểu học Lê Thị Riêng cho biết, để giám sát chất lượng bữa ăn, phụ huynh có thể cùng tham gia đăng ký suất ăn cùng học sinh để biết chất lượng của bữa ăn, suất ăn của phụ huynh bằng suất ăn của học sinh. Khi phụ huynh cùng ăn sẽ có điều kiện giám sát toàn bộ quá trình phân chia đồ ăn, cảm nhận được chất lượng của từng món; nếu cần góp ý sẽ trao đổi trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường để có điều chỉnh phù hợp.
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, đối với ngành giáo dục và đào tạo, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường gắn liền với nhiệm vụ phối hợp cùng địa phương giải quyết tình trạng mua bán thức ăn khu vực xung quanh trường học. Việc ngăn chặn, loại bỏ những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nguy cơ từ những gánh hàng rong ở cổng trường đang là bài toán khá nan giải, cần có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện xây dựng “Cổng trường em sạch đẹp an toàn” một cách đồng bộ giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình.