Dù từ cuối năm 2021 đến nay, thành phố đã có nhiều điều chỉnh để chăm lo nhiều hơn cho hoạt động y tế cơ sở, trong đó, có đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế, nhưng nhìn chung, y tế cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu quan sát kỹ ở các trạm y tế, chúng ta không khó nhận thấy cơ sở vật chất còn hạn chế và thiếu thốn, từ thiết bị, phương tiện, thuốc men cho đến phòng ốc; số người đến khám và chữa bệnh ở đây khá thưa, chủ yếu là các bệnh thông thường hoặc các trường hợp sơ cứu (trừ trường hợp trạm y tế là phòng khám vệ tinh của bệnh viện tuyến trên); quang cảnh ở nhiều nơi khá vắng, trái ngược với hầu hết các bệnh viện phải thường xuyên quá tải, trong đó, hình ảnh thường thấy là trẻ đến tiêm ngừa, người già đến lấy thuốc định kỳ…
Thực tế đó ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở: thiếu trải nghiệm, thiếu động lực phấn đấu, thiếu nguồn thu để cải thiện thu nhập, thiếu sức thu hút nhân sự y tế có chuyên môn cao về công tác tại trạm… Đương nhiên, các vấn đề này cần nhiều thời gian và nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, nhưng nếu các cơ quan chức năng không mạnh dạn, quyết liệt thì có thể sẽ rất lâu mới thay đổi được thực tiễn đó.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu một số hạn chế về hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân: chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập; chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế… Từ đó, phần “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030” đã nêu: “chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển”, đồng thời, “chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...”.
Nhìn nhận khá thẳng thắn về các tồn tại, Nghị quyết Đại hội XIII, trong phần “Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội” đã đề ra các định hướng tích cực: “Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám, chữa bệnh trực tuyến; nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng; thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước, xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, phát triển mạnh ngành công nghiệp dược và thiết bị y tế…”. Các định hướng này có thể góp phần quan trọng vào việc cải thiện chung về hoạt động của y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ nhân viên y tế.
Mới đây, ngày 15/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Nghị định này đã thể hiện sự chăm lo rất đáng kể đối với nhân viên y tế ở các cơ sở công lập, trong đó, có y tế cơ sở. Chẳng hạn, đã bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP: “Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”… Đương nhiên, sự chăm lo, hỗ trợ còn cần nhiều hình thức khác chứ không phải chỉ có về mặt thu nhập.
Một bác sĩ trẻ thuộc chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với làm việc tại y tế cơ sở của Sở Y tế thăm khám bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi. (Ảnh: Tuoitre.vn) Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, TPHCM đã có nhiều giải pháp hỗ trợ y tế cơ ở, đặc biệt là nhân sự, đội ngũ. Trong năm 2023 này, ngành y tế tiếp tục đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế, nâng tổng số bác sĩ trẻ đang thực hành và làm việc tại trạm y tế lên hơn 400 bác sĩ, tiếp tục luân phiên bác sĩ trẻ về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ… Ngành đã triển khai gói điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cải tạo 146 trạm y tế từ nguồn ngân sách của Chính phủ; đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình…
Trước đó, từ tháng 2/2022, ngành y tế TPHCM bắt đầu thí điểm chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố gắn liền với thực hành tại trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa. Theo đó, trung bình mỗi trạm y tế sẽ được phân bổ 1 bác sĩ trẻ đến tham gia thực hành công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm. Năm 2022 là cũng năm đầu tiên ngành y tế tổ chức Hội thi “Trưởng trạm y tế giỏi” cấp thành phố nhằm tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ y tế đang đảm trách công tác quản lý trạm y tế và nhân viên y tế thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế cơ sở…
Với thiên chức cao cả của người thầy thuốc, mỗi năm dù có Ngày Thầy thuốc hay không, dù có các sự quan tâm, chăm lo về vật chất, tinh thần hay không, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế cũng vẫn sẽ nỗ lực khắc phục các khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong đội ngũ sẽ có một số người vì điều kiện riêng không tiếp tục mặc áo blouse trắng hoặc không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các cơ sở y tế công lập, ở các trạm y tế. Đồng thời, cũng sẽ có những người không thể toàn tâm toàn ý, không thể tận tụy, hy sinh cho công tác khám chữa bệnh, thậm chí có thể có những “méo mó” nhất định… Do đó, chính quyền thành phố cần tiếp tục có những giải pháp chăm lo cho đội ngũ y tế cơ sở với sự đột phá, quyết liệt hơn nữa. Cần có biện pháp song hành hợp lý và hiệu quả giữa chăm lo vật chất và tinh thần, giữa tạo môi trường hoạt động thuận lợi với xây dựng cơ hội thăng tiến về mặt nghề nghiệp, giữa sự thụ hưởng các mặt với trách nhiệm cao cả, lớn lao…
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, hẳn không có thầy thuốc nào đòi hỏi phải có sự quan tâm, chăm lo nào cụ thể nhưng nếu thiếu điều đó một cách thiết thực, trân trọng thì có thể khiến các chiến sĩ áo trắng không khỏi chạnh lòng…