Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Cần những chính sách phù hợp để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn một cách bền vững

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/10,  Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chức năng phòng hộ, bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân vùng ven biển, nơi sinh sống của nhiều loài động vật có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong những thập kỷ gần đây, rừng ngập mặn còn đem lại những giá trị kinh tế dưới hình thức các dịch vụ môi trường rừng; trong đó, có thể kể đến như hấp thụ và lưu trữ cacbon; chống xói lở bờ biển; cung ứng nước sạch, lọc kim loại nặng và chất ô nhiễm; cung ứng bãi đẻ cho động vật thủy sinh; dịch vụ vẻ đẹp cảnh quan và cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

Tại Việt Nam, rừng ngập mặn trải dài trên 3.260 km đường bờ biển với khoảng 150.000 ha, trong đó, khoảng 70% diện tích rừng ngập mặn tập trung tại các tỉnh phía Nam.

Tiến sĩ Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và so sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật chia sẻ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các hệ sinh thái biển, ven biển đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ lượng khí nhà kính, cụ thể là cacbon dioxide, nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới trên đất liền. Đây được đánh giá là giải pháp tiềm năng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng có tiềm năng rất lớn trong việc tích trữ và phát triển hệ sinh thái cacbon xanh, góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo một số ý kiến cho rằng, để rừng ngập mặn có thể là một phần của nền kinh tế, bên cạnh các giá trị xã hội và môi trường vốn có từ lâu của rừng, đòi hỏi có những chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn bền vững.

Theo Tiến sĩ Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, thách thức đặt ra hiện nay là vấn đề bảo tồn rừng ngập mặn và các lợi ích kinh tế cạnh tranh khác. Việc quản lý, khai thác cần quan tâm đến lợi ích dài hạn của rừng ngập mặn chứ không nên chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Bên cạnh đó, dịch vụ môi trường của rừng ngập mặn cũng là vấn đề cần làm rõ với những quy định pháp luật cụ thể.

Một số ý kiến đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần mở rộng quy định loại dịch vụ môi trường rừng nhằm huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của các chủ thể trong hoạt động phục hồi, bảo vệ môi trường rừng.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo