Thứ Hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023

Cần một tâm thế tích cực về việc cho trẻ đi học trực tiếp

Ngày 10/12, học sinh nhiều trường ở TPHCM đã đến trường để được hướng dẫn các quy trình phòng dịch khi học trực tiếp. (Ảnh: vov.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Từ đầu tuần sau, ngày 13/12/2021, học sinh khối lớp 9 và 12 của TPHCM sẽ đi học trực tiếp trở lại. Nhà trường, giáo viên và học sinh có 2 tuần thí điểm việc học trực tiếp; tùy theo diễn biến thực tế sẽ có những quyết định tiếp theo của lãnh đạo thành phố. Ngành giáo dục thành phố đã chuẩn bị rất tích cực cho công tác này nhằm thực hiện “mục tiêu kép”: bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, nhân viên, đồng thời bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy và học.

Với nhiều người, việc đi học trực tiếp có nhiều niềm vui và ích lợi thiết thực: học sinh được gặp gỡ bạn bè và thầy cô, được trao đổi trực tiếp trên lớp, được học nhiều kỹ năng phù hợp…; giáo viên có thể nắm bắt được tình hình học tập thực sự của lớp, từ đó có thể phát huy những ưu điểm, có giải pháp giúp đỡ một số học sinh chưa theo kịp…; nhà trường có nhiều hoạt động phong phú, sinh động và có căn cứ xác thực để đánh giá chất lượng dạy và học…; phụ huynh có thể yên tâm về kết quả học tập thực chất của con em, nhất là với học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 và tham gia kỳ thi THPT quốc gia…; kể cả một số người có hoạt động liên quan cũng sẽ có thêm niềm vui như người chạy xe ôm, người bán hàng…, bởi khi học sinh đi học trở lại tức là có thêm những “khách hàng”. Tất cả những điều đó tác động qua lại lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định và bình thường của các mặt đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh hiện nay vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Số ca nhiễm mỗi ngày ở thành phố vẫn còn ở mức cao; biến chủng mới Omicron có thể có những tác động tiêu cực; sự chủ quan của một bộ phận người dân có thể làm sự lây lan dịch bệnh và hậu quả của nó khó kiểm soát… Do đó, trong việc đi học trực tiếp của học sinh, các chủ thể có liên quan thực sự cần có tâm thế tích cực, chủ động.

Với nhà trường, góc độ nào đó có thể coi là “đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục”, phải thực sự bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và người lao động với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch các cấp và có những phương án linh hoạt, phù hợp để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Việc tổ chức tất cả các hoạt động của nhà trường trong điều kiện hiện nay cần có sự chú ý cao độ, trong đó về cơ sở vật chất, thiết bị… phải được đặc biệt quan tâm, nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho công tác phòng chống dịch. Nhà trường phải đồng thời bảo đảm chất lượng dạy và học theo yêu cầu, không vì tập trung phòng chống dịch mà xem nhẹ các hoạt động chuyên môn, bởi nó còn liên quan trực tiếp đến kết quả các đợt kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh… của học sinh.

Giáo viên, nhân viên trong trường với tư cách là những người chủ động dẫn dắt, định hướng, tổ chức phần lớn các hoạt động tại trường, cần có ý thức trách nhiệm về phòng chống dịch một cách nghiêm túc. Sự chủ quan, lơ là của người lớn không chỉ không bảo đảm về mặt an toàn cho bản thân và học sinh mà còn có thể tác động đến ý thức, thói quen và hành vi của các em. Tuy nhiên, dù luôn cẩn thận và thúc đẩy sự cẩn thận của học sinh trong phòng chống dịch thì giáo viên, nhân viên cũng không tạo ra tâm lý sợ hãi, hoang mang cho học sinh. Bởi trong điều kiện hiện nay, về mặt chủ trương, mỗi người cần có sự thích ứng linh hoạt với tình hình dịch, thậm chí là “sống chung với dịch” khi hầu hết người dân đã được tiêm 2 mũi vaccine, được khuyến cáo đầy đủ các biện pháp phòng chống, được tổ chức chăm sóc sức khỏe chu đáo khi không may nhiễm bệnh… Vì vậy, tâm thế tích cực là thận trọng và không làm lây lan nỗi sợ dịch bệnh.

Phụ huynh học sinh đương nhiên là một chủ thể rất cần tâm thế tích cực, không chỉ để ứng xử phù hợp với tình hình dịch bệnh, việc chăm sóc con em nói chung và việc học của trẻ nói riêng mà còn tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh khi đi học trực tiếp. Các phụ huynh nên quan tâm tìm hiểu kỹ các ích lợi quan trọng và gần như không thể thay thế khi cho trẻ đi học trực tiếp, đồng thời cần nhìn nhận sự thận trọng của lãnh đạo thành phố, sự chu đáo của các trường trong việc tổ chức cho trẻ đến trường học. Do đó, phụ huynh cần trang bị cho trẻ những phương tiện cần thiết (như khăn mặt, khẩu trang, nước uống, thức ăn…) và hiểu biết cần có trong việc phòng chống dịch (như tuân thủ 5K, đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh, đã là F0 vẫn có thể tái nhiễm…). Đồng thời, không tạo ra áp lực hoặc gây tâm lý lo lắng thái quá cho trẻ khi đến lớp, bởi trên thực tế, trẻ em thường có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh không quá cao và mức độ rủi ro rất thấp. Dĩ nhiên, không vì thế mà lại chủ quan, lơ là, bởi khi đã nhiễm bệnh thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ cũng như tác động đến việc dạy và học tại trường.

Với học sinh, đây là một dịp để các em trải nghiệm và rèn luyện tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác và chủ động phòng chống dịch. Trong nhiều tháng qua, gần như các em được ở nhà, nhiều hoạt động phòng chống dịch chưa được thực hiện đầy đủ. Nay học trực tiếp, các em phải thể hiện rõ việc thực hành 5K, việc tự bảo vệ bản thân và mọi người, ứng phó trong các tình huống khẩn cấp… Đồng thời, các em dần làm quen trở lại với môi trường học trực tiếp với những lợi ích thiết thực và những yêu cầu riêng, có thể đòi hỏi các em phải năng động hơn, tích cực hơn, nỗ lực hơn.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) đến trường tập huấn phòng chống dịch Covid-19 sáng 10/12. (Ảnh: tienphong.vn) Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) đến trường tập huấn phòng chống dịch Covid-19 sáng 10/12. (Ảnh: tienphong.vn)

Trên hết và có trách nhiệm cao hơn hết là tâm thế tích cực của các cơ quan chức năng có liên quan đến việc tổ chức hoạt động dạy và học. Tâm thế đó là phải luôn chú trọng bảo đảm “mục tiêu kép”, không được lệch mục tiêu nào; luôn chú ý lắng nghe phản hồi của dư luận, nhất là các chủ thể có liên quan, nhưng không để áp lực của dư luận dẫn dắt một cách lệch lạc; luôn có những định hướng, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời; đồng thời chia sẻ và đồng hành với tất cả các chủ thể…

Nếu việc thí điểm 2 tuần tổ chức học trực tiếp của khối 9 và 12 được diễn ra suôn sẻ thì đó là điều kiện quan trọng để có thể lần lượt tiến hành với các khối lớp khác và tiếp tục mở cửa lại tất cả trường học trong trạng thái bình thường mới. Trên thực tế, trạng thái bình thường mới đang được thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực, với hoạt động giáo dục có phần thận trọng, điều đó cho thấy trách nhiệm rất cao của lãnh đạo thành phố. Do đó, mỗi người dân cần thể hiện tâm thế chủ động và tích cực đối với việc đi học lại của trẻ, để góp phần vào việc thực hiện các hoạt động bình thường trong một bối cảnh mới.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo