Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trình bày tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật lần này có nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như: gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự thảo cũng làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Dự thảo cũng hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…
Báo cáo thẩm tra dự án luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đấu thầu hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành.
Dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Cơ quan thẩm tra nhận định, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù. Cụ thể là: dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề về pháp luật.Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, thế nào là đặc thù; đồng thời cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt…
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.
Vấn đề đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được nhiều đại biểu quan tâm. Ðây là vấn đề xã hội cũng rất quan tâm. Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần phải báo cáo làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, tập trung trong thời gian vừa qua có những vấn đề gì mà tổ chức khó khăn, thậm chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn khan hiếm thuốc. Sửa luật lần này liệu có khắc phục được vấn đề này?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu thực tế vừa qua nổi lên tình trạng về tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu. Sửa luật lần này có bảo đảm chống tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu?