Thứ Sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021):

Cách mạng tháng Tám không phải là sự “ăn may”!

Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19/8/1945. (Ảnh: TTXVN)
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi là do sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng của Đảng ta. Bởi thế, tiếng nói lạc lõng cho rằng Cách mạng tháng Tám là một sự “ăn may” là luận điệu trái với sự thật lịch sử.

Nhà sử học người Na Uy Stein Tonnesson luận giải trong cuốn Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh xuất bản năm 1991 như sau: “Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng Minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng Minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ”[1] và “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền”[2]. Quan điểm này đã được nhiều người dựa vào với mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta và hạ thấp ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám.

Trước đó, trong cuốn Con đường giành quyền lực của cộng sản ở Việt Nam vào năm 1981, Giáo sư William. J. Duiker, nhà sử học người Mỹ, từng nêu ra nhận định: “Sự tan rã nhanh chóng của chính phủ ở cả các khu vực thành thị và nông thôn đi đôi với sự trì hoãn đổ bộ của các lực lượng chiếm đóng của Đồng Minh sau khi Nhật Bản đầu hàng đã tạo ra một khoảng trống chính trị ở tất cả các đầu mối quyền lực”[3].

Nhà văn, nhà báo người Mỹ Lady Borton, khi trao đổi với các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5/2010 đã nhìn nhận ngược lại với quan điểm của Stein Tonnesson và William. J. Duiker. Bà Lady Borton nhận định: “Khi nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình”[4].

Trên thực tế, phát xít Nhật tại Việt Nam lúc đó có đến 90.000 người và được trang bị đầy đủ khí giới. Họ đã chứng tỏ sự thiện chiến khi đã đánh bại quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương chỉ trong một ngày (9/3/1945). Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (15/8/1945), quân Nhật ở Đông Dương nhận “nhiệm vụ” duy trì trật tự trước khi bị giải giáp. Bởi vậy, cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước tháng 8/1945 cũng vấp phải sự kháng cự của Nhật.

Ngày 17/8/1945, ở Tuyên Quang, Việt Nam Giải phóng quân tiến công doanh trại quân Nhật. Trước sức tiến công mãnh liệt của Việt Nam Giải phóng quân và sức uy hiếp mạnh mẽ của nhân dân khởi nghĩa, quân Nhật phải xin đàm phán nhưng khi được tin có một cánh quân đang từ Hà Giang kéo về gần tới nơi, chúng lại trở mặt. Các chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân và tự vệ công nhân lập tức tiếp tục cuộc tiến công, mở nhiều đợt xung phong mãnh liệt. Đến ngày 21/8/1945, quân Nhật rút hết về Hà Nội.

Ngày 20/8/1945, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã bao vây, tấn công vào các vị trí do quân Nhật chiếm giữ ở thị xã Thái Nguyên. Trước sức mạnh của cao trào cách mạng, quân Nhật buộc phải chấp nhận các điều kiện do Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng đưa ra để sáng ngày 26/8/1945 được rút về Hà Nội.

Tại Hà Nội có đến 10.000 lính Nhật đồn trú. Trong đó, Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài có hàng ngàn lính. Quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã kéo vào đánh chiếm Trại Bảo an binh vào ngày 19/8/1945. Nhận được tin, chỉ huy quân đội Nhật đã cho xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây, yêu cầu ta nộp vũ khí, giải tán, giao trại cho Nhật. Căn cứ vào chủ trương của Ủy ban Quân sự cách mạng đối với quân Nhật, ta đã mềm dẻo thuyết phục, nói rõ Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng Minh, nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta thì ta cũng để cho chúng yên ổn chờ ngày về nước. Ngược lại, nếu chúng bắn vào quần chúng cách mạng thì ta sẵn sàng dùng vũ lực chống lại. Xe tăng và quân Nhật sau đó phải rút lui. Sau cuộc thương thảo đó, Nhật phải công nhận Việt Minh là đại diện của Việt Nam. Việc này được xác nhận bởi bức điện văn của Đại sứ Nhật gửi về Tokyo: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”[5].

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu) Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Tại Huế, sau khi đảo chính Pháp, Nhật có đến 4.500 quân thiện chiến, vũ khí hậu cần đầy đủ do tướng Yokoyama Masayuki chỉ huy sẵn sàng đáp áp cách mạng. Bởi hắn đã nhận được chỉ thị của Tokyo phải giữ ngôi cho Bảo Đại, đã bàn với Bảo Đại và Trần Trọng Kim như sau: “Mặc dù nước Nhật đã đầu hàng nhưng quân đội Nhật tại đây vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho tới khi quân đội Đồng Minh đến tiếp thu. Xin ngài hãy làm văn thư yêu cầu để chúng tôi tái lập trật tự”[6]. Trần Trọng Kim không muốn rơi chính quyền vào tay Việt Minh, như đã thú nhận: “Trong tình thế nguy ngập như thế, ở Huế còn có người bàn sự chống cự. Tôi muốn biết rõ sự thực, liền gọi trung úy Phan Tử Lăng, người đứng coi Đoàn Thanh niên Tiền tuyến ở Huế, hỏi xem có thể trông cậy bọn ấy được không”[7]. Tuy nhiên ngày 23/8/1945, chính quyền ở Huế đã về tay nhân dân. Bởi lẽ, tại thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Minh ở Huế đã thuyết phục được một số nhân sĩ yêu nước của “Hội Tân Việt Nam” (một tổ chức thân Nhật), lực lượng thanh niên Phan Anh, lính khố vàng, lính bảo an cùng hàng chục vạn đồng bào để tiến tới tổng khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng, Bảo Đại chấp nhận thoái vị, giải tán nội các Trần Trọng Kim.

Bên cạnh đó, cho đến ngày 23/8/1945, chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim đứng đầu (thành lập từ ngày 17/4/1945) vẫn tồn tại, hoạt động và ra sức kìm chế Việt Minh. Ở Hà Nội, ngày 18/8/1945, với tư cách đại diện Chính phủ Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn vẫn gặp đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa lại: “Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để Chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh…”[8]. Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát: “Giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”[9]. Thậm chí Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim còn có ý định lôi kéo Việt Minh gia nhập chính phủ của chúng và ngừng các hoạt động chống Nhật nhưng đã bị phía Việt Minh bác bỏ[10].

Chiến thắng của phe Đồng Minh trước phe phát xít trong năm 1945 đã tạo thời cơ để Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, phải có sự chuẩn bị từ trước thì mới có đủ lực lượng để đón nhận thời cơ này.

Tháng 5/1941, Đảng ta đã chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Sau đó, những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh với nòng cốt là Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi, là lực lượng quan trọng nhất để tổng khởi nghĩa toàn quốc giành chính quyền về tay nhân dân. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[11].

Đảng lần lượt thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (12/1944) rồi Việt Nam Giải phóng quân (5/1945). Do đó, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã xây dựng lực lượng vũ trang để làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.

Đảng ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng các căn cứ địa cách mạng. Pác Bó - Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng đầu tiên được xây dựng. Tiếp đó, căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai được thành lập (tháng 2/1941). Đầu năm 1943, Căn cứ Cao Bằng - Bắc Sơn được nối liền. Sau đó căn cứ địa được mở rộng ra 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Tháng 6/1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc và cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành bàn đạp vững chắc cho thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 16/8/1945, Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập”[12]. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (ngày 18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[13].

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng ta khiến quan điểm của của những người cho rằng Cách mạng tháng Tám là “ăn may” đã được chứng minh là phiến diện, sai lầm. Giáo sư William J. Duiker, người đầu tiên đưa ra khái niệm “khoảng trống quyền lực”, cũng phải thừa nhận: “Chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người cộng sản”[14].

Nguyễn Văn Toàn 

--------------------

[1] Dẫn theo GS.TS. Phạm Hồng Tung, Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám, Trang thông tin của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội). Link: http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244.

[2] GS.TS. Phạm Hồng Tung, tài liệu đã dẫn.

[3] GS.TS. Phạm Hồng Tung, tài liệu đã dẫn.

[4] Ngô Vương Anh, 67 năm Cách mạng tháng Tám: Về khoảng “chân không chính trị” tháng 8/1945, Báo Thanh Niên điện tử, ngày 20/8/2012. Link: https://thanhnien.vn/van-hoa/67-nam-cach-mang-thang-8-ve-khoang-chan-khong-chinh-tri-thang-81945-58042.html.

[5] Dẫn lại theo Lê Trọng Nghĩa, Các ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, in trong 19/8: Cách mạng là sáng tạo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1995, tr.94.

[6] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb. Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr.93-94.

[7] Trần Trọng Kim, sđd, tr.92.

[8] Xem thêm: Lê Trọng Nghĩa, Câu chuyện về những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội, in trong 19/8: Cách mạng là sáng tạo, tài liệu đã dẫn, tr.73-74.

[9] Archimedes L.A Patti, Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr.302-303.

[10] Archimedes L.A Patti, sđd, tr.301-302.

[11] Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999, tr.473.

[12] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.526.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.

[14] Dẫn theo GS.TS. Phạm Hồng Tung, tài liệu đã dẫn.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo