Hình quan cảnh hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 5/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo cho đại biểu các sở, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội góp ý cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành phần của các Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất các cấp, trong đó cần phải có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội đại diện cho nguyện vọng của người sử dụng đất.
Đại biểu Lê Đình Hiếu, đại diện Sở Công thương TP cho rằng, cần cho phép người sử dụng đất được lựa chọn phương thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất hàng năm cho từng thửa đất.
Về giá đất, nhiều đại biểu cho rằng, cần xây dựng theo nguyên tắc sát với giá đất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, giá đất được ban hành thời gian qua thường thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường rất nhiều. Do vậy, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo khi xây dựng dự án Luật có cơ chế xây dựng giá đất, quản lý giá đất chặt chẽ hơn, đảm bảo sát với giá thị trường. Đồng thời, cần bổ sung trường hợp cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp khu đất có một phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong đất dự án do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thì diện tích đất công được cho thuê không thông qua đấu giá.
Đại biểu Thái Minh Giao, đại diện Cục thuế TP cho rằng, cần bổ sung trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được áp dụng giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Đồng thời, bổ sung trong bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Theo đại biểu Thái Minh Giao, không đưa Ngân hàng đất nông nghiệp vào Luật. Vì Ngân hàng nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. “Điều này dẫn đến doanh nghiệp sẽ thu gom, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp của nông dân, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.”- đại biểu Thái Minh Giao nhấn mạnh.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, để hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để khắc phục tình trạng xung đột pháp luật giữa các văn bản luật có liên quan.
Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, hiện Luật Đất đai hiện hành có đến 112 luật, Bộ luật có liên quan. Do vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tránh sự xung động pháp luật và cần xem xét thêm và phải có quy định rõ hơn.
Cũng theo đồng chí Phạm Phương Thảo, ở TP giá thị trường là giá đất ở, trong khi giá bồi thường cho các dự án, phổ biến là đất nông nghiệp. Do vậy, sẽ tính giá thị trường làm sao cho nó sát và thực tế TPHCM đã có nhiều trường hợp chỉ vì không xác định được giá đất để nhà đầu tư thực hiện việc hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước, do vậy nhiều căn hộ chung cư đã không được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Do vậy, dự thảo luật cần ghi rõ thành phần tham gia Hội đồng thẩm định giá đất. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định giá đất cần phải có chuyên môn về giá để xác định giá đất sát với giá thị trường. Cùng đó, cần bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.