Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và cơ sở đào tạo (CSĐT).
Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực: thí sinh được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39%. Trong số 330 CSĐT, có 194 CSĐT (58,67%) có tỷ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%... Trong khi đó, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê 0,40%..
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng thể hiện tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo các phương thức xét tuyển, theo đó xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm đa số, với 47,98%; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) 37,18%; xét tuyển thẳng 0,25%; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác 0,78%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do CSĐT tự tổ chức để xét tuyển 1,31%; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển 0,65%; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển 0,50%…
Nêu rõ những hạn chế của công tác tuyển sinh 2022, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học, ví dụ như phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển 0,50%. Trong khi đó, thống kê cho thấy, có 200 lượt phương thức xét tuyển không có thí sinh nhập học; trên 100 lượt phương thức xét tuyển chỉ dưới 10%. Bà Thủy cho rằng, nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn và không hiệu quả đối với cả thí sinh lẫn các trường. Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến; giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…
Do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường cần chủ động đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, giải trình minh bạch cho xã hội. Thực tế, xét tuyển vẫn chỉ tập trung 2 phương thức chính: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 47,98%; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) 37,18%.
Đáng chú ý, về công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy có nhiều bất hợp lý. Phần lớn CSĐT đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số CSĐT tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Cụ thể, số CSĐT tuyển kém là 64/330; số ngành tuyển kém/tổng số ngành là 94/440. Trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.
Bộ GD-ĐT cho rằng, các CSĐT tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Về công tác tuyển sinh năm 2023, Bộ GD-ĐT cho biết, tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, tuy nhiên có điểm mới là áp dụng điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 (điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp).
Năm 2023, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án phát triển nhân lực các ngành công nghệ cao, phối hợp với các bộ ngành xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo với một số ngành đặc thù. Bộ GD-ĐT cũng triển khai các giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2022. Bộ GD-ĐT nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển; thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu ThủyNăm nay sẽ tuyển sinh sớm, bảo đảm tháng 9 là các trường khai giảng năm học mới. Năm 2023, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố ngưỡng đầu vào của ngành Y dược và Sư phạm (dự kiến ngày 20/7). Dự kiến, ngày 14/8, hoàn thành việc tuyển sinh đợt 1; thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên Hệ thống đến hết ngày 30/8.
Thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 15/8. Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.
Đáng chú ý, từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 26/7; nhận kết quả (điểm chuẩn) đợt 1 ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 30/8.
Với các trường có tổ chức kỳ thi riêng, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định; tăng cường công nhận, sử dụng kết quả của nhau; Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường có thi riêng đưa kết quả lên hệ thống chung để các trường khác có thể sử dụng để xét tuyển.