Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Các quy định mới của Ban Bí thư về báo chí, xuất bản:

Bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Toàn cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương ngày 31/10/2023. (Ảnh: L. Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/2/2023, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 100-QĐ/TW về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản”, thay thế Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 26/1/2010 của Ban Bí thư khóa X về “quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản”; Quy định số 101-QĐ/TW về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí”, thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư khóa X về “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”.

Các quy định mới này có nhiều điểm mới theo hướng bảo đảm sự đồng bộ với các quy định khác của Đảng và pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có liên quan. Đồng thời, các quy định mới này đều được công bố công khai để cán bộ, đảng viên và các đối tượng trong khối báo chí – xuất bản có thể nắm rõ và triển khai thực hiện trong thực tế (các văn bản trước đây về nội dung này đều là văn bản mật). Ngoài ra, các quy định mới này cơ bản tương thích và đồng bộ với các quy định khác của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan; tránh sự vênh nhau giữa các quy định và nhằm bảo đảm việc thực hiện được thống nhất, chặt chẽ. Thí dụ, Quy định số 100-QĐ/TW tương thích với Luật Xuất bản 2012, Quy định số 101-QĐ/TW tương thích với Luật Báo chí 2016. Về độ tuổi bổ nhiệm thì áp dụng Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ “quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức”; đối với Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/8/2022 về “phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”[1].

Việc ban hành các quy định này nhằm đáp ứng các vấn đề thực tiễn đặt ra yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản. Đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản là rất cần thiết góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về cơ bản, các quy định mới này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Quyết định 75-QĐ/TW, Quyết định 282-QĐ/TW thời gian qua. Trong đó, các nội dung của Quyết định 75-QĐ/TW không thể áp dụng đầy đủ, thống nhất đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí trực thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… bởi những đối tượng trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động. Các nội dung trong Quyết định 282-QĐ/TW mới chỉ đề cập cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản hoạt động theo mô hình sự nghiệp công lập, chưa bao quát đến nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước[2]. Quyết định 75-QĐ/TW và Quyết định 282-QĐ/TW cũng chưa có chế tài cụ thể xem xét, xử lý đối với các vi phạm của tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

Bên cạnh đó là tình trạng “báo hóa” tạp chí, “thương mại hóa” báo chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí diễn biến phức tạp; công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí chưa theo kịp sự phát triển của báo chí; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận người làm báo, người làm xuất bản…[3]. Tại Báo cáo số 372/BC-CP ngày 7/8/2023 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ nêu rõ nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do khái niệm “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, “tư nhân hóa” báo chí chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về báo chí. Chính vì vậy, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, thời gian, trí tuệ khi phải nghiên cứu, chuyển hóa xử lý tình trạng “báo hóa” này sang các hành vi khác có liên quan, có chế tài cụ thể, đảm bảo đúng quy định của pháp luật… Do vậy, các quy định mới này là cơ sở quan trọng để có thể xử lý nghiêm minh, chặt chẽ các trường hợp vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương ngày 31/10/2023. (Ảnh: L. Hồ) Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương ngày 31/10/2023. (Ảnh: L. Hồ)

Bên cạnh đó, các quy định mới này bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; bổ sung thêm một số quyền hạn, trách nhiệm đối với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và căn cứ xem xét trách nhiệm của các cơ quan này trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản (trong việc thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm; các hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản…). Đây là một nội dung mới, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm của mình một cách chặt chẽ nhất, đầy đủ nhất.

Các quy định này cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý xuất bản, báo chí và cơ quan chủ quản xuất bản, báo chí, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. Thí dụ: Điểm e) khoản 2 Điều 13 Quy định 100-QĐ/TW nêu: “Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì có văn bản nghiêm khắc nhắc nhở hoặc kỷ luật khiển trách” đối với việc: “Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát để cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong cơ quan báo chí, cộng tác viên (có hợp đồng cộng tác viên với cơ quan báo chí) vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp”[4].

Đồng thời, các văn bản mới này đã thay đổi hình thức văn bản từ thể loại Quyết định ban hành quy chế, quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản sang thể loại Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản cho phù hợp với tính chất, nội dung của văn bản và đúng tinh thần Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6/2/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng.

Báo cáo tại Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, tổ chức tại Bình Dương, ngày 11/5/2023, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh: “Việc ban hành 2 quy định này đã tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản…”. Điều đó cho thấy Đảng ta rất chú trọng công tác báo chí, xuất bản và có nhiều giải pháp để bảo đảm các lĩnh vực công tác ngày càng phát huy tốt hơn nữa vai trò của hai trong số những binh chủng chủ lực trong công tác tư tưởng của Đảng.

Vân Tâm

_____________________

[1] Các quy định đã nêu rõ tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan xuất bản, cơ quan báo chí, như về độ tuổi, về nhiệm kỳ (để tránh có trường hợp giữ chức vụ quá lâu, như đã có người đã ngoài 90 tuổi vẫn còn giữ nhiệm vụ tổng biên tập một cơ quan báo chí trong hơn 5 nhiệm kỳ)…

[2] Hiện cả nước có 59 nhà xuất bản, trong đó 49 nhà xuất bản Trung ương, 10 nhà xuất bản địa phương. Về loại hình tổ chức, có 43 nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, 16 nhà xuất bản hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.

[3] Tính đến tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 17 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng; xử phạt 2 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí.

[4] Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, qua 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 (2017 – 2023), cả nước đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm, trong đó có 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Từ đầu năm 2023 đến tháng 10/2023, Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 6 vụ việc liên quan đến 7 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật. Đa phần các vụ việc xảy ra, phóng viên đều chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo