(Thanhuytphcm.vn) - Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí 2016 đã nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Trong đó, yếu tố “diễn đàn của nhân dân” có nội dung là báo chí phải thể hiện được vai trò là “tiếng nói của nhân dân”.
Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh việc là tiếng nói của cơ quan, ngành, địa phương…, báo chí còn đồng thời tiếng nói của nhân dân ở địa phương đó, của quần chúng trong giới đó. Nhìn chung, báo chí nước ta đã thông tin khá đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các định hướng của địa phương, đoàn thể, ngành, cơ quan…, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và quần chúng trong giới đó, động viên, tạo điều kiện để người dân ủng hộ, thực hiện các chủ trương, chính sách. Đồng thời, báo chí không ngừng phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của người dân để các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý, khắc phục. Rất thường xuyên, báo chí phản ánh các thiếu sót của chính quyền các địa phương, của các cơ quan, đơn vị hoặc các biểu hiện chưa lành mạnh ở khu dân cư đều được các cơ quan chức năng trả lời và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, báo chí cũng nhiều lần động viên, tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề lớn của đất nước, vào các dự án luật, đặc biệt là đóng góp vào các văn kiện trình đại hội đảng bộ các địa phương và Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, ở mỗi kỳ đại hội đảng các cấp, báo chí luôn là một kênh quan trọng để tiếp nhận rất nhiều ý kiến của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Nhiều người có thể gửi ý kiến góp ý trực tiếp đến các cơ quan chức năng nhưng báo chí luôn là một trong những kênh được tin cậy, không phải chỉ vì người góp ý muốn ý kiến của mình được thông tin rộng rãi mà còn vì tinh thần cầu thị, khách quan của các báo trong việc phản ánh nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, để không ngừng phát huy vai trò là “tiếng nói của nhân dân”, báo chí nước ta nói chung và báo chí TPHCM nên quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường thông tin hai chiều về các chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước. Báo chí cần chú ý tính hai chiều một cách đầy đủ: chiều từ phía Đảng và Nhà nước phải được phản ánh cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm (thí dụ: một văn bản luật mới thì không cần phản ánh tất cả các nội dung trong đó, mà cần chú trọng những điểm mới, những điểm thật sự tiến bộ…); chiều từ nhân dân cũng phải được thể hiện một cách trung thực, cả ý kiến đồng thuận và ý kiến còn băn khoăn hoặc những ý kiến đề xuất mới. Trong quá trình thông tin hai chiều, báo chí nên thể hiện sự cầu thị thật sự, không vì quá chú trọng tính định hướng mà làm hẹp lại tính đa dạng, tính thực tiễn, nhất là với những trường hợp tuy cá biệt nhưng có tính khoa học và tính thực tiễn cao.
Thứ hai, kịp thời phản ánh ý kiến của người dân về các vấn đề của xã hội. Thực tiễn xã hội hiện nay chuyển động rất nhanh, với rất nhiều diễn biến, tích cực rất nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Báo chí cần tạo điều kiện để người dân phản ánh nhanh chóng, đầy đủ các mặt đó (nhất là với các báo điện tử); những vấn đề tích cực sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân vào những điều tốt đẹp, tạo sự lan tỏa, thuyết phục mọi người ngày càng có sự tích cực hơn từ trong nhận thức đến hành động; những điều tiêu cực (khi được phản ánh bằng cách thức phù hợp) sẽ có tác dụng cảnh báo, nhắc nhở, nhất là với những ý kiến có đề xuất giải pháp, sẽ tác động đến việc điều chỉnh hành vi của nhiều người khác. Do đó, việc phản ánh không đầy đủ, toàn diện hoặc không kịp thời đều hạn chế việc xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, tích cực hơn.
Thứ ba, tăng tính tương tác với bạn đọc. Việc tăng tính tương tác là cách làm cho báo chí và người đọc trở nên gần nhau hơn. Không phải chỉ trên báo trực tuyến mới thực hiện tốt việc tương tác, ngay cả báo in vẫn có thể có những cách tương tác hiệu quả, chẳng hạn đăng ý kiến phản hồi của bạn đọc về các bài viết trên báo, về ý kiến tranh luận với bạn đọc khác về một vấn đề nào đó, về cách thức xử lý, biên tập của ban biên tập, về các chi tiết trong báo… Ngoài ra, có thể tổ chức các cuộc thi, các diễn đàn…, để qua đó vừa định hướng nhận thức, thẩm mỹ, sở thích… cho người đọc, vừa qua đó nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của bạn đọc nói riêng và công chúng nói chung về các vấn đề của xã hội.
Thứ tư, thường xuyên trưng cầu ý kiến của bạn đọc về cả nội dung lẫn hình thức của báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Việc trưng cầu (thông qua hội nghị bạn đọc hoặc phiếu khảo sát, hay thăm dò trên báo điện tử…) không chỉ để nắm bắt mong muốn của người đọc mà còn qua đó để ghi nhận các sáng kiến đóng góp với báo. Do đó, báo chí cần chú trọng việc ghi nhận nhu cầu của người đọc bằng những cách thức phù hợp và có biện pháp cải tiến phù hợp, nhất là trong lúc bản thân báo chí có sự cạnh tranh quyết liệt và nhu cầu của người đọc cũng rất đa dạng như hiện nay.
Là “tiếng nói của nhân dân”, báo chí cần lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của nhân dân, càng nhiều càng tốt, càng khách quan, trung thực càng tốt. Khi đó, sự phản ánh của báo chí mới càng thuyết phục và hấp dẫn hơn!