Một câu chuyện rất ngắn, đơn giản nhưng lại hàm chứa một bài học sâu sắc dành cho cán bộ, đảng viên về ứng xử, phát ngôn, hành động… trong sinh hoạt, công tác. Do đó, chỉ 3 chữ “suy nghĩ kỹ” thực sự là một lời nhắc nhở thường trực của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… trong quá trình thực thi công vụ và tiếp xúc với nhân dân.
Chẳng hạn, trong lời nói, dân gian đã đúc kết: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hàm ý phải rất thận trọng, cân nhắc trước khi phát ngôn. Vì nói sai, nói không đúng chỗ, không đúng lúc… thì hậu quả có thể khó lường. Một người vui tính, có thể nói chuyện bỗ bã với bạn bè, người thân trong một bối cảnh thân mật, nhưng điều đó không được phép thể hiện khi đang làm nhiệm vụ, khi đối diện với người dân, khi đang trong một sinh hoạt chính thức… Một người trầm tính, kiệm lời có thể ít nói lời đãi bôi trong các quan hệ xã giao nhưng khi phát biểu phải có lớp lang, khi trao đổi với dân phải biết thưa gửi… Như vậy là phải suy nghĩ kỹ, nói sao cho chính xác, phù hợp, chứ không phải thể hiện theo tính cách hoặc thói quen thông thường. Do đó, người hay bông đùa phải hết sức thận trọng khi phát biểu, để tránh nói những điều, những lời không phù hợp trong bối cảnh đó. Cho nên, vị phó chủ tịch phường ở Khánh Hòa có thể là người thẳng tính, bình dân nhưng khi tính ấy trở thành các phát ngôn trong việc xử lý người công nhân đi mua bánh mì thì đã để lại hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và các cán bộ nói chung.
Vì vậy, trong Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, cán bộ, công chức muốn nhân dân hiểu, phải học cách nói của quần chúng, dùng những lời lẽ giản đơn, thiết thực, dễ hiểu. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Khi chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, thì chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Còn trong bài viết Những kinh nghiệm cần phải tránh trong công tác phát động quần chúng, đăng trên Báo Nhân dân số 221 ngày 4/9/1954, với bút danh C.B, Hồ Chí Minh viết: “Mong cán bộ ta cẩn thận từng lời nói, từng việc làm, thật thà “ba cùng”, làm đúng chính sách, để giành lấy kết quả tốt hơn trong công tác phát động quần chúng”. Suy cho cùng, nghĩ kỹ, nói lời cẩn thận không chỉ giới hạn trong lời nói cụ thể đó mà còn trong thái độ, nhận thức và từ đó dẫn đến hành động.
Trong hành động lại càng phải suy nghĩ kỹ. Dân gian đúc kết: “Bút sa gà chết”, tức là hành động đã thực hiện rồi thì có thể không rút lại được và phải để lại hậu quả, có khi không thể nào khắc phục đầy đủ. Các nhiệm vụ cách mạng nói chung hay từng công việc cụ thể nói riêng đều phải cần cẩn thận. Ngày trước, trong hoạt động bí mật, cán bộ của Đảng chỉ cần bất cẩn chút thì có thể bị địch bắt, cơ sở bị lộ, tổ chức bị đánh phá, thiệt hại sẽ khôn lường. Ngày nay, công việc có thể không quá nguy hiểm và liên quan nhiều đến tổ chức như vậy nhưng không có nghĩa là yếu tố cẩn thận không được xem trọng. Bởi mỗi hành động gắn với dân là liên quan đến hình ảnh, uy tín, năng lực, hiệu lực, hiệu quả… hoạt động của tổ chức, cơ quan, ngành, địa phương… Bởi vậy, trong Sửa đổi lối làm việc, Bác dạy: “Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận”. Người cũng chỉ rõ, đối với công việc, phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm công việc đã làm một cách tường tận, gốc rễ, tỉ mỉ, cẩn thận, toàn diện trước khi thực hiện công tác mới.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng trao quà đến người dân tại khu phố 1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. (Ảnh minh họa)Tháng 6/1949, Bác Hồ viết tác phẩm Cần, kiệm, liêm, chính gồm 4 bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu quốc, trong đó đức tính "cần" được Người nói đến đầu tiên. “Muốn cho chữ CẦN có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Như vậy, nếu không cẩn thận thì khó có thể xem là cần, bởi hiệu quả công việc sẽ không cao. Chẳng hạn, trong lúc dịch, cán bộ đi rà soát, thống kê người dân khó khăn cần chăm lo trên địa bàn, nếu để sót, nhầm lẫn thì phải đi làm lại, phải nhờ lực lượng đối chiếu, kiểm tra, như vậy vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ cơ sở. Bởi vậy, khi cán bộ phường nọ ở TPHCM đưa giấy ký tên nhận 1,5 triệu đồng mà thực chất chỉ nhận 15 kg gạo chẳng qua do nhầm lẫn bảng ký nhưng rõ ràng việc đó đã gây phản ứng rất không tốt trong nhân dân.
Cẩn thận đương nhiên phải căn cứ trên các quy định của pháp luật và luôn hướng đến việc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho nhân dân. Đồng thời, cần chú ý xây dựng và bảo vệ hình ảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước công luận. Một hành động bất cẩn dù được lý giải về mục đích tốt đẹp thì vẫn có thể gây ra những ngộ nhận, dẫn đến cái nhìn không chân xác về đội ngũ, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, hành động phá cửa xông vào nhà dân và dùng vũ lực để đưa một người đi xét nghiệm Covid-19 ở Bình Dương dù được giải thích như thế nào cũng khó coi đó là đã hành xử thận trọng.
Cho nên, 3 chữ “suy nghĩ kỹ” thực ra là một quá trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm lâu dài trên nền tảng nhận thức đúng đắn. Và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ 3 chữ ấy, tuyệt nhiên không được chủ quan, lơ là!
Trúc Giang
-------
[1] Dẫn theo Nguyễn Văn Khoan, Tấm gương Bác, ngọc quý của mọi nhà, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.90.