Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Loạt bài “Quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội”

Bài 5: Một số căn cứ mang tính pháp lý khi xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng không gian mạng

Quy tắc thứ 6 trong 9 quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội của Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO).

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) Việc xây dựng các quy tắc, quy chuẩn trong sử dụng mạng internet và mạng xã hội (tạm gọi là không gian mạng) của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… (gọi chung là cán bộ, đảng viên) thực sự rất cần thiết đối với các cơ quan, đơn vị, ngành… Từng đoàn thể có điều lệ riêng, từng ngành có quy định riêng, từng cơ quan, đơn vị lại có nội quy riêng nên dĩ nhiên cần các quy tắc ứng xử riêng cho phù hợp. Dù vậy, các quy tắc ứng xử sẽ có chung những cơ sở pháp lý, như các quy định của pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, các đề án, quy tắc mẫu… có liên quan. Dưới đây là gợi ý các căn cứ.

Trước hết, cần dựa vào các quy định mang tính nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp năm 2013. Chẳng hạn, Điều 3 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân...”; Điều 14 thì khẳng định: “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”…

Về quyền con người, Hiến pháp dành hẳn 1 chương để đề cập cả quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong đó, Điều 21 khẳng định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Điều 25 thì nêu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, việc sử dụng không gian mạng là quyền tự do của cá nhân, của mọi công dân. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 cũng nêu rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Những người là cán bộ, đảng viên còn phải tuân thủ các quy định khác đồng thời phải gương mẫu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách phù hợp.

Trong số các luật điều chỉnh liên quan đến quyền cá nhân, Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều quy định chi tiết. Nhiều điều khoản của Mục 2 (về quyền nhân thân) có thể trở thành vấn đề pháp luật liên quan đến không gian mạng nếu người sử dụng xâm phạm đến các quyền này, chẳng hạn Điều 32 quy định về “quyền của cá nhân đối với hình ảnh”. Theo đó, “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”, trừ trường hợp theo khoản 2 của Điều này hoặc các trường hợp có quy định khác. Người sử dụng không gian mạng không thể tùy tiện sử dụng hình ảnh của người khác, kể cả người thân của mình (cha mẹ, anh chị em, con cái…)[1].

Hoặc Điều 34 quy định về “quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” thì bất cứ người nào sử dụng không gian mạng để thông tin những vấn đề có thể gây “ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân” bất kể động cơ, mục đích của người sử dụng là thế nào. Đặc biệt, liên quan đến trẻ em, các quy định càng nghiêm khắc hơn[2].

Một văn bản luật có liên quan trực tiếp đến không gian mạng chính là Luật An ninh mạng năm 2018. Trong đó, cần chú ý một số điều như Điều 8 về “các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng”, Điều 16 về “phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, Điều 17 về “phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng”, Điều 18 về “phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”…

Tại TPHCM, vấn đề sử dụng không gian mạng đã được Thành ủy quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể, trong đó nổi bật là Đề án 05-ĐA/TU ngày 19/6/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội tại TPHCM và Bộ quy tắc ứng xử (mẫu) của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi sử dụng internet, mạng xã hội theo Quyết định số 14-QĐ/BTGTU ngày 25/2/2021 của Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Hội Nhà báo Việt Nam họp báo công bố "Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam", ngày 25/12/2018. Hội Nhà báo Việt Nam họp báo công bố "Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam", ngày 25/12/2018.

Đề án 05 đã nêu một số quan điểm chỉ đạo, như “xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện đúng quy chế phát ngôn, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội, phá hoại, cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tiếp tay đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội, kích động, tấn công vào nội bộ”; “quán triệt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” là trọng tâm; chủ động lan tỏa thông tin tích cực, người tốt việc tốt đi đôi với tích cực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên rà soát ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội”… Trên cơ sở đó, Đề án nêu một số mục tiêu như tận dụng có hiệu quả internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt; trang bị nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và thực hiện các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng thông tin xấu, độc, sai sự thật trên internet, mạng xã hội…

Trong gần 1 năm qua, các cấp ủy đã tích cực triển khai Đề án 05 đến đông đảo cán bộ, đảng viên và đã tạo những chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở của Đề án này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử (mẫu) nhằm định hướng cho các cấp ủy xây dựng các quy chuẩn cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố trong việc sử dụng không gian mạng. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thành phố có trách nhiệm tổ chức quán triệt nghiêm túc Quy tắc ứng xử này cho toàn cán bộ, đảng viên và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào hoạt động đánh giá, xếp loại hàng năm; bổ sung các quy tắc phù hợp vào quy định của tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở; đồng thời, căn cứ quy tắc này và đặc thù riêng của đơn vị để xây dựng và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử riêng cho đơn vị mình. Công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động vi phạm pháp luật về an ninh mạng và quy tắc ứng xử này khi thực hiện nhiệm vụ hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị thì người đứng đầu của cơ quan, đơn vị sẽ liên đới chịu trách nhiệm theo quy định…

Hiện nay, một số tổ chức đảng thuộc Đảng bộ TPHCM đã ban hành các quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng không gian mạng hoặc dành riêng cho mạng xã hội và đã có tác động rất tích cực. Những nơi chưa ban hành cần bám sát các chỉ đạo và nắm chắc tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, ngành để có thể xây dựng quy tắc phù hợp. Trong quá trình xây dựng quy tắc, các cấp ủy cần chú ý đến các căn cứ mang tính pháp lý để các quy tắc được ban hành đúng quy định, đồng bộ với sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống, đồng thời tránh vi phạm các quyền cá nhân. Bên cạnh đó, các dự thảo nên được lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên để bảo đảm sát thực tiễn, phát huy trí tuệ tập thể và quyền dân chủ của cán bộ, đảng viên.

Trúc Giang

----------------------

[1] Chẳng hạn, Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”. Như vậy, người sử dụng không gian mạng không thể sử dụng thông tin cá nhân (trong đó có hình ảnh) trẻ em là con của mình và con của người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

[2] Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2029/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Điều 101 của Nghị định này quy định, người thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em, kèm hình ảnh xuyên tạc, sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo